Thế nào là biếng ăn sinh lý ở trẻ? Cha mẹ cần làm gì để khắc phục

Khi trẻ chuẩn bị bước vào giai đoạn biến đổi thể chất theo chu kỳ phát triển như mọc răng, tập lẫy, tập bò, tập đi... thì tình trạng biếng ăn sinh lý xuất hiện. Vậy chúng sẽ kéo dài trong bao lâu và có các dấu hiệu nào để nhận biết?

Tình trạng con biếng ăn sinh lý khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ lo lắng vì sợ con sụt cân. Để hiểu thêm về vấn đề này, hãy cùng đọc bài viết của Bau.vn dưới đây nhé!

1. Biếng ăn sinh lý diễn ra khi nào?

Biếng ăn chính là một trong các triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt biếng ăn sinh lý. Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ chán ăn, ăn uống kém trong một khoảng thời gian nhưng không rõ nguyên nhân nào gây ra.

Tình trạng này thường diễn ra khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn biến đổi thể chất theo chu kỳ phát triển tự nhiên của con người, có thể kể đến như mọc răng, tập bò, tập đứng, tập đi…

Các giai đoạn trẻ thường mắc chứng biếng ăn sinh lý có thể kể đến:

  • 3-4 tháng tuổi: đây là thời điểm trẻ ngóc đầu và tập lẫy.
  • 6 tháng tuổi: là giai đoạn trẻ tập ăn dặm và chuyển sang một chế độ mới, trẻ bắt đầu làm quen với nhiều loại thực phẩm mới.
  • 9-10 tháng tuổi: trẻ bắt đầu tập đi và biết đi.
  • 16-18 tháng tuổi: giai đoạn này trẻ thường tìm tòi khám phá thế giới xung quanh nên tỏ ra chán ăn, không hứng thú với thức ăn.
  • 2 tuổi – 3 tuổi: giai đoạn trẻ bắt đầu đi học mầm non, nhà trẻ. Điều này làm thay đổi môi trường sinh hoạt và chế độ ăn uống sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý, khiến trẻ sinh ra biếng ăn.

Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khác có khả năng gây ra chứng biếng ăn sinh lý ở trẻ như trẻ thay đổi môi trường sống, chỗ ở, hoặc có người chăm sóc mới…

2. Các dấu hiệu nhận biết

Một số dấu hiệu để cha mẹ nhận biết chứng bệnh này của con:

  • Đối với trẻ đang bú mẹ: trẻ đột ngột bú ít hơn bình thường, ít hoặc không thức dậy bú vào ban đêm, thời gian mỗi cữ bú sẽ ngắn hơn. Ngoài ra, trẻ không chủ động đòi bú mẹ hoặc thậm chí kháng cự khi được mẹ cho bú.
  • Đối với trẻ ăn dặm hoặc ăn cơm: chỉ ăn một số món và không chịu ăn món mới.
  • Trẻ thường xuyên bỏ ăn hoặc ăn rất ít.
  • Khi ăn trẻ quấy khóc hoặc ngậm thức ăn.
  • Trẻ hiếu động, nghịch ngợm và không quan tâm tới thức ăn.
  • Trẻ bỗng nhiên sụt cân hoặc không tăng cân trong một khoảng thời gian.

3. Kéo dài trong thời gian bao lâu?

Tình trạng này thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần và thường chúng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nhưng, theo thông kê có tới khoảng 40% trẻ em có tình trạng biếng ăn sinh lý kéo dài trong nhiều tháng, khi đó chúng sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe. Kết thúc thời gian thay đổi này, cơ thể trẻ sẽ thích nghi được với chế độ ăn uống bình thường trở lại.

4. Cha mẹ cần làm gì để khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý?

Như đã đề cập ở trên, trong khoảng thời gian 2-3 tuần thì tình trạng này không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Mặc dù vậy, ở giai đoạn này cha mẹ cần quan tâm hơn đến bữa ăn của trẻ, cố gắng khuyến khích trẻ ăn nhiều nhất có thể. Một số biện pháp có thể cải thiện tình trạng này có thể kể đến như:

  • Tăng cường số bữa ăn trong ngày, giảm lượng thức ăn trong từng bữa ăn để rút ngắn thời gian ăn ở mỗi bữa, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ lượng dinh dưỡng cho bé.
  • Ưu tiên lựa chọn những món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa ví dụ như canh, súp, cháo,…
  • Trang trí món ăn nhiều màu sắc, bắt mắt để tạo cảm giác thích thú, khám phá thức ăn ở trẻ.
  • Tăng cường cho trẻ uống thêm sữa và bổ sung các bữa ăn phụ như sữa chua, phomai, bánh quy, trái cây,…

Đối với trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thụ dẫn đến chậm phát triển, cha mẹ cần bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa các khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B và lysine. Cha mẹ có thể bổ sung kết hợp từ chế độ ăn uống với các thực phẩm chức năng để đem lại hiệu quả tốt nhất.

 

Nguồn : bau.vn