Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh và những biến chứng nguy hiểm

Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn. Phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu của thoát vị bẹn cần đưa đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ là hậu quả của bất thường bẩm sinh do tồn tại ống phúc tinh mạc khiến tạng trong ổ bụng như ruột, mạc nối lớn chạy xuống bìu tạo nên các khối phồng to ở bẹn. Thông thường, ống phúc tinh mạc của trẻ ở những tháng cuối thai kỳ hoặc 3 tháng đầu sau sinh sẽ tự động đóng lại, càng lớn khả năng tự đóng của các ống này càng thấp sẽ gây ra thoát vị bẹn ở trẻ. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân phụ như: trẻ rặn quá nhiều do táo bón hay ho liên tục trong thời gian dài cũng gia tăng khả năng bị cao.

Bệnh là hậu quả của bất thường bẩm sinh do tồn tại ống phúc tinh mạc khiến tạng trong ổ bụng như ruột, mạc nối lớn chạy xuống bìu tạo nên các khối phồng to ở bẹn

Biểu hiện thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ

Hiện nay có khoảng 2% trường hợp phát hiện thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ bé trai cao hơn bé gái. Thoát vị bẹn có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên và đi kèm với những biểu hiện như sau:

  • Đầu tiên, các mẹ sẽ sớm thấy một khối u phồng lên ở bẹn, kích thước sẽ tăng lên khi trẻ vận động, quấy khóc hay rặn.

  • Khi sờ nén túi thoát vị thấy cảm giác mềm, trẻ không có biểu hiện đau và có thể di chuyển.

  • Một số trẻ còn có thể xuất hiện các triệu chứng như bụng căng, nôn mửa, túi bẹn đổi màu hoặc sốt nhẹ.

  • Hầu hết hiện tượng ở trẻ sơ sinh không gây đau nhưng khi khối phồng to lên gây chèn ép cơ quan xung quanh khiến cho máu không thể lưu thông thì lúc này trẻ sẽ thấy đau. Lúc này, trẻ sẽ khóc nhiều hơn và căng thẳng, khó chịu

Trẻ sẽ khóc nhiều hơn và căng thẳng, khó chịu

Các biến chứng nguy hiểm của thoát vị bẹn ở trẻ em

Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ và gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng thường gặp của bệnh như:

  • Rối loạn tiêu hóa, trẻ chậm lớn
  • Trẻ bị táo bón, không thể đi đại tiện được
  • Ảnh hưởng tới tinh hoàn ở bé trai: xoắn tinh hoàn, teo tình hoàn
  • Ảnh hưởng đến buồng trứng ở bé gái
  • Nghẹt hoại tử ruột do ruột hoặc mạc treo ruột không chui về ổ bụng được mà bị kẹt tại vùng cổ túi hoặc kẹt do bị xoắn. Máu không thể lưu thông khiến ruột bị hoại tử

Bệnh không thể tự khỏi mà phải điều trị bằng phẫu thuật. Cha mẹ cần quan sát thật kỹ những dấu hiệu bất thường ở trẻ, không được tự điều trị tại nhà hoặc đợi trẻ tự khỏi, bệnh biến chứng nặng sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị và gây ra những tổn thương khó phục hồi. Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám.

Nguồn : bau.vn