Thuốc tránh thai kết hợp là một trong những biện pháp được nhiều chị em sử dụng. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu bản chất và ưu nhược điểm của chúng. Cùng Bau.vn tìm hiểu vấn đề này nhé!
1. Thuốc tránh thai kết hợp là gì?
Thuốc tránh thai kết hợp là viên uống ngừa thai chứa hai hormone giới tính nữ là Estrogen và Progestin. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm ngăn chặn rụng trứng, thay đổi niêm mạc của tử cung, tạo chất nhầy cản trở tinh trùng xâm nhập.
Trong khi đó, viên tránh thai đơn thuần chỉ chứa hormone progesterone. Về cơ bản tác dụng của hai loại thuốc là tương tự nhau, nhưng chứa thành phần khác nhau nên chỉ định và chống chỉ định có một chút khác nhau.
Để thuốc đạt tác dụng ngừa thai tốt, bạn cần duy trì việc uống thuốc gần như hàng ngày, kéo dài liên tục trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
2. Các loại thuốc tránh thai dạng phối hợp Estrogen và Progestin
Dạng vỉ 21 viên
Cách sử dụng: uống mỗi ngày 1 viên liên tục trong 21 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, khi hết vỉ thuốc thì ngưng 7 ngày. Sau đó tiếp tục uống thành chu kỳ mới.
Dạng vỉ 28 viên
Cách sử dụng: uống mỗi ngày 1 viên, liên tục trong 28 ngày theo thứ tự uống đã được quy định sẵn trên bao bì. Với dạng vỉ 28 viên, bạn cần uống liên tục, đều đặn không có đợt nghỉ như loại thuốc 21 viên.
Thực chất, trong vỉ thuốc tránh thai kết hợp dạng 28 viên sẽ có 21 viên chứa hormone có màu sắc khác so với 7 viên còn lại. 7 viên thuốc còn lại thường không có chứa hormone, mà chứa chất dinh dưỡng khác như folate, vitamin… Công dụng của 7 viên còn lại là tạo chu kỳ uống liên tục, tránh quên và từ đó làm giảm khả năng mang thai.
3. Những ai không nên uống thuốc tránh thai kết hợp?
- Mẹ đang cho con bú trong vòng 6 tuần đầu.
- Người đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá.
- Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành như bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi, tăng huyết áp, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích tương tự như thuốc lá… hoặc đang mắc bệnh. Hoặc bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng mạch máu, thần kinh, võng mạc hoặc biến chứng thận.
- Bệnh nhân bị cao huyết áp: huyết áp tâm trương trên 100mmHg, huyết áp tâm thu trên 160mmHg.
- Bệnh nhân chuẩn bị trải qua cuộc phẫu thuật lớn (phải nằm trên 1 tuần).
- Người mắc bệnh lý về tim mạch như: thiếu máu cơ tim, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, bệnh lý van tim phức tạp, thuyên tắc phổi, tai biến mạch máu não, cơ địa huyết khối di truyền…
- Người bị bệnh đau nửa đầu, bệnh gan nặng, suy giảm chức năng gan nghiêm trọng như: xơ gan mất bù, viêm gan cấp diễn biến, u gan…
4. Lưu ý khi uống thuốc tránh thai
Cố định giờ uống thuốc
Thực tế không quy định giờ nhất định trong ngày để uống thuốc tránh thai kết hợp, nhưng để tạo thói quen uống đúng giờ rất quan trọng để tránh trường hợp quên thuốc. Hiệu quả tránh thai sẽ đạt mức tối đa khi uống thuốc đều đặn, liên tục hàng ngày.
Để tránh quên uống thuốc, nên tạo thói quen uống vào buổi sáng và có phương pháp ghi nhớ, nhắc nhở như lưu vào điện thoại, ghi giấy nhớ… Nếu quên bạn nên uống bù luôn vào buổi tối hoặc buổi chiều cùng ngày.
Nếu quên uống thì phải làm sao?
Khi uống thuốc tránh thai quá liều, bạn có thể xuất hiện một số triệu chứng điển hình như buồn nôn và chảy máu âm đạo. Ngược lại, nếu quên liều thì cần phải sử dụng bổ sung một biện pháp ngừa thai khác trong khoảng 7- 9 ngày hoặc cho đến khi kết thúc chu kỳ. Đồng thời, vẫn tiếp tục uống thuốc tránh thai dạng phối hợp Estrogen và Progestin như bình thường.
Tuy nhiên mỗi loại thuốc tránh thai sẽ có những hướng dẫn riêng cụ thể trong trường hợp quên một hoặc nhiều liều.
Nguồn : bau.vn