Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có phải là bất thường? Các cách để bé hoạt ngôn hơn

Trẻ 2 tuổi chưa biết nói khiến cha mẹ lo lắng, thấp thỏm không biết có phải con mình bị chậm nói hoặc gặp các vấn đề về ngôn ngữ hay không?

Trẻ 2 tuổi chưa biết nói không phải là trường hợp hiếm gặp. Nếu như con bạn có các dấu hiệu như bập bẹ vài từ nhưng chậm hơn bạn cùng lứa, không hiểu nghĩa những từ thông thường, không bắt chước… thì cha mẹ cần tìm cách hỗ trợ, kích thích trẻ nói. Bởi vì, rất có thể trẻ đã mắc chứng chậm nói, lười nói. Bài viết này của Bau.vn sẽ giải thích cho bạn rõ hơn về vấn đề này!

Thế nào được coi là trẻ chậm nói?

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói

Trẻ được coi là chậm nói nếu trong khoảng 18-35 tháng tuổi không thể diễn đạt được những suy nghĩ, ý muốn của mình. Tại giai đoạn này, cách phát âm không quan trọng, chủ yếu là bé có đủ vốn từ để thực hiện việc giao tiếp hay không.

 

Thông thường, từ 18 đến 20 tháng trẻ nên nói được ít nhất 10 từ. Đến khi 2 tuổi, trẻ nói được khoảng 50 từ. Khác với các bé còn nhỏ, dấu hiệu trẻ 2 tuổi chậm nói rõ ràng và dễ nhận biết hơn, bố mẹ hãy chú ý để kịp thời hỗ trợ:

  • Không tự nói được mà chỉ biết lặp lại các đoạn âm thanh
  • Không hiểu và không thể làm theo lời hướng dẫn của người lớn
  • Trẻ rất ít giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, chỉ dùng các từ quen thuộc lặp đi lặp lại
  • Giọng nói không chuẩn, dùng giọng mũi hoặc giọng bị the thé

2. Nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi chưa biết nói

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ 2 tuổi chưa biết nói, tuy nhiên có một số nguyên nhân cơ bản dưới đây:

  • Trong gia đình từng có người cũng chậm phát triển ngôn ngữ.
  • Do thắng lưỡi bị ngắn, vòm miệng hoặc lưỡi có vấn đề.
  • Môi, lưỡi và hàm khó phối hợp do vùng não phụ trách ngôn ngữ có trục trặc.
  • Do thính giác kém.
  • Trẻ bị viêm tai giữa, nhất là viêm mạn tính.
  • Trẻ mắc hội chứng ảnh hưởng tới nói như tự kỷ, tăng động giảm chú ý.

Bên cạnh đó, việc để trẻ xem tivi hay điện thoại quá nhiều để giữ bé ngồi yên cũng có thể khiến bé lười tiếp xúc, giao tiếp dẫn tới chậm nói.

Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có bất thường không?

Trong thực tế, có khoảng 13% trẻ 2 tuổi chậm nói và nhiều hơn ở các bé trai. Đây là tỷ lệ không nhỏ nên cha mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu kỹ nguyên nhân từ con của mình, cũng như áp dụng các phương pháp hỗ trợ bé. Trong trường hợp cần thiết, bạn nên đưa trẻ tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Cách để kích thích trẻ nói nhiều hơn

Cha mẹ cần tương tác với con thường xuyên

Tương tác, giao tiếp thường xuyên mỗi ngày với con sẽ giúp bé hứng thú hơn với việc nói. Trong lúc chơi với con, bạn cũng cần chú ý quan sát kỹ xem bé hứng thú với điều gì, có món đồ chơi, con vật nào bé đặc biệt thích không. Sau khi đã nắm bắt được sở thích của bé thì bố mẹ hãy gọi tên và trò chuyện với con về những vật này.

 

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên thường xuyên diễn đạt với con về các hành động. Ví dụ, “ba đang rửa chén kìa” hoặc “con chó màu trắng đang chạy bên kia đường”. Bạn cần kiên nhẫn thực hiện lâu dài để giúp bé nắm bắt được nhiều từ vựng cũng như cách diễn đạt chuẩn xác.

Đọc sách và kể chuyện cùng bé

Kể chuyện và đọc sách cho con nghe là thói quen rất tốt. Khi được nghe bố mẹ đọc truyện mình thích thì trẻ vừa tiếp xúc được với từ vựng mới vừa thêm hào hứng luyện tập trò chuyện.

Các mẹ cần lưu ý

Không nên vì lo lắng trẻ chậm nói mà vô hình tạo áp lực lên tâm lý của con. Hãy bình tĩnh, nhẫn nại để đồng hành cùng con trong giai đoạn khó khăn này nhé! Việc bạn dồn ép con phải nói hay cáu gắt sẽ khiến con ám ảnh tâm lý và tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Nhìn chung, không có trẻ nào giống trẻ nào, mỗi đứa trẻ có một hành trình phát triển khác nhau. Do vậy, nếu thấy trẻ 2 tuổi chưa biết nói thì bố mẹ không nên quá lo lắng mà cần kiểm tra các dấu hiệu chậm nói, tìm nguyên nhân cũng như kiên nhẫn hỗ trợ con nhé.

 

Nguồn : bau.vn