Trẻ sơ sinh bị khô da: Cha mẹ cần làm gì để da con được mềm mướt?

Thời tiết thay đổi dễ khiến trẻ sơ sinh bị khô da. Nếu không được khắc phục tình trạng khô da kịp thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Vào những ngày nắng nóng, hoặc thay đổi thời tiết, da của trẻ sơ sinh rất dễ bị khô do chênh lệch nhiệt độ. Vậy, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ làn da non nớt, mịn màng của con yêu? Để Bau.vn giúp cha mẹ trả lời câu hỏi trên nhé!

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị khô da

1. Cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh bị khô da bằng máy tạo độ ẩm

Đối với những ngày thời tiết hanh khô, không khí trong nhà trở nên nóng khô (hoặc lạnh khô), bố mẹ nên cân nhắc sử dụng máy làm ẩm, với khả năng phun sương, giúp làm mát không gian sống và giúp trẻ không bị khô da do thời tiết.

2. Cân nhắc giảm thời gian tắm của trẻ

Khi tắm, da của trẻ sẽ bị lấy đi lớp dầu tự nhiên dẫn tới khô da. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa sau khi tắm cho bé hàng ngày.

  • Đầu tiên, bố mẹ nên hạn chế việc tắm bé quá lâu (trên 30 phút). Thay vào đó, chỉ nên tắm cho bé bị khô da trong khoảng 10 phút.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp (ấm, không quá nóng) và sử dụng ít xà phòng. Theo các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên chọn loại sữa tắm không mùi, ít chất tẩy rửa và dịu nhẹ cho làn da bé.
  • Sau khi tắm xong, bố mẹ nên thoa kem dưỡng ẩm giúp cung cấp độ ẩm và đồng thời làm mềm da bé một cách tốt nhất. Bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn những sản phẩm kem dưỡng ẩm phù hợp nhất đối với từng loại da của trẻ.

3. Dùng kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh bị khô da

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, bố mẹ nên nhanh chóng lau khô cho trẻ bằng khăn lông sạch và mềm mại. Sau khi cơ thể bé đã khô ráo, bố mẹ tiếp tục thoa kem dưỡng ẩm cho bé. Theo các chuyên gia, việc thoa kem dưỡng ẩm cho bé ngay sau khi tắm vài phút có tác dụng giúp nước đọng lại trên da của trẻ nhiều hơn, từ đó tăng cường độ ẩm thích hợp, hạn chế tình trạng bé bị khô da.

Khi thoa kem dưỡng ẩm cho bé, phụ huynh cần lưu ý nguyên tắc chung là bôi càng dày càng tốt. Trong trường hợp, bé bị khô da ngay cả khi đã sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày, bố mẹ có thể thử chuyển sang dùng kem dưỡng da hoặc thuốc mỡ đặc hơn.

Theo các bác sĩ, thuốc mỡ có khả năng giữ độ ẩm rất tốt cho của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có thể gây ra cảm giác nhờn dính khó chịu. Do đó, khi sử dụng thuốc mỡ, bố mẹ nên lưu ý chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ thoa lên da của con.

Bố mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé bị khô da 2 lần trong 1 ngày (sau khi tắm).

4. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thành phần thô ráp

Theo đó, bố mẹ không nên thoa phấn em bé hoặc nước hoa cho bé bị khô da; sử dụng các sản phẩm giặt tẩy không mùi. Trong trường hợp da bé đặc biệt nhạy cảm, bố mẹ nên giặt quần áo của bé thật kỷ, nhằm loại bỏ hết cặn xà phòng có thể gây hại cho da.

Hạn chế để trẻ mặc quần áo chật hoặc với chất liệu thô ráp. Một số loại vải như len có thể gây kích ứng, đặc biệt đối với bé bị khô da.

Các mẹ chú ý 

Nếu bé bị khô da, kèm xuất hiện các mảng đỏ ngứa rất có thể trẻ bị chàm (hay còn gọi là viêm da dị ứng). Nhưng nếu được chăm sóc và dưỡng ẩm đúng cách, những vết chàm ấy cũng sẽ nhanh chóng biến mất. Do đó, bạn chỉ cần đưa trẻ đến bác sĩ da liễu khi các mảng da không thuyên giảm, tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ngày càng nặng dù bạn đã cố gắng chăm sóc tại nhà.

Nguồn : bau.vn