Trẻ sơ sinh uống sữa công thức bị nổi mẩn đỏ, vì sao?

Trẻ sơ sinh uống sữa công thức bị nổi mẩn đỏ được chuẩn đoán là dị ứng sữa công thức hay còn gọi là dị ứng đạm sữa bò. Vậy nguyên nhân là do đâu? và mẹ nên khắc phục như thế nào?

Dị ứng sữa công thức là gì?

Dị ứng sữa công thức thường xảy ra ở trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi được nuôi bằng sữa công thức. Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể trẻ phản ứng với sữa công thức, đặc biệt là phản ứng với các protein trong sữa. Các triệu chứng dị ứng xuất hiện như một cách để bảo vệ cơ thể.

Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở trẻ em nhất là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Theo các nghiên cứu, có khoảng 7% trẻ em được nuôi bằng sữa công thức có các triệu chứng dị ứng. Trong khi đó có khoảng 1% trẻ em bị dị ứng với sữa công thức khi thôi bú sữa mẹ.


Dị ứng sữa thường xảy ra khi trẻ thôi bú sữa mẹ chuyển sang sữa công thức

Đây cũng là dị ứng thực phẩm hay gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên tình trạng này sẽ cải thiện dần khi trẻ lớn lên. Một số trẻ sẽ không còn dị ứng sau 3 tuổi nhưng cũng có trường hợp đến 16 tuổi mới có thể chấm dứt tình trạng này.

Dấu hiệu bé dị ứng sữa công thức

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết trẻ dị ứng với sữa công thức thường xảy ra trong vài phút sau khi trẻ uống sữa. Bên cạnh đó, một số trẻ khác có thể mất vài giờ hoặc vài ngày sau để xuất hiện các dấu hiệu dị ứng đầu tiên.

Nếu bé dị ứng sữa công thức, các dấu hiệu có thể bao gồm:

1. Đầy bụng

Sau khi uống sữa, bụng có bé có thể bị phình to ra, căng cứng hoặc thường xuyên ợ hơi. Ngoài ra, bé cũng có thể thường xuyên thả khí hơn bình thường.


Bé dị ứng dị sữa công thức có thể bị đầy bụng, ợ hơi

2. Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là tình trạng thức ăn, sữa trong dạ dày trào ngược qua thực quản và miệng của trẻ.

Trong trường hợp dị ứng sữa công thức nghiêm trọng, bé có thể nôn ra sữa. Bên cạnh đó bé có thể gặp khó khăn trong việc nuốt, thường xuyên không muốn bú sữa hoặc tỏ ra khó chịu khi đến lúc bú.

3. Tiêu chảy

Trẻ bú mẹ có phân đục và loãng hơn trong khi trẻ bú sữa công thức có phân dày hơn. Nếu có phân lỏng hoặc đi đại tiện nhiều hơn 3 – 4 lần một ngày trong một tuần thì có thể là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy.

Tiêu chảy là dấu hiệu dị ứng sữa công thức phổ biến. Ngoài ra, nếu phân của trẻ có mùi hôi, chảy nước hoặc có lẫn máu, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức. Tiêu chảy thường xuyên có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

4. Táo bón

Tương tự bệnh tiêu chảy, táo bón cũng có thể là dấu hiệu dị ứng sữa công thức ở trẻ. Nếu bị táo bón, phân của bé có thể trở nên khô cứng như những viên đá nhỏ. Ngoài ra, trong một số trường hợp bé có thể xuất hiện máu trong phân.

Táo bón là dấu hiệu dị ứng sữa công thức ở trẻ

5. Phát ban

Phát ban đỏ hoặc nổi mề đay mẩn ngứa có thể là dấu hiệu bé dị ứng sữa công thức. Thông thường mẩn đỏ thường có xu hướng xuất hiện trên mặt. Tuy nhiên, đôi khi mẩn đỏ có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể.

Khu vực phát ban có thể gây ngứa, tiết ra một số chất lỏng và đóng vảy.

6. Có vấn đề về hệ thống hô hấp

Mặc dù hiếm khi xảy ra tuy nhiên, dị ứng sữa công thức có thể khiến trẻ sơ sinh bị viêm phế quản, cảm lạnh, cúm, sổ mũi, khó thở, hơi thở có mùi khó chịu. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bé có thể xuất hiện đờm trong cổ họng. Ngoài ra, ho mãn tính hoặc viêm họng cũng có thể là dấu hiệu bé dị ứng sữa công thức.


Dị ứng sữa công thức có thể gây cảm lạnh hoặc thở khò khè ở trẻ

7. Đau bụng

Nếu bé khó liên tục ngay cả khi vừa ăn no hoặc khi không buồn ngủ, thì điều này có thể là dấu hiệu trẻ đang bị đau bụng. Ngoài ra, nếu bé khóc ba giờ trở lên mỗi ngày và ít nhất ba ngày trong một tuần thì có thể bé đang bị đau bụng.

Đau bụng ngay sau khi bú sữa có thể là dấu hiệu dị ứng sữa.

Dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu dị ứng hãy đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Cách khắc phục hiệu quả

Khi trẻ được chẩn đoán dị ứng, cách tốt nhất nên làm là cho trẻ ngưng sử dụng các loại sữa có khả năng gây dị ứng. Một số cách khắc phục tình trạng này như sau:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ được chẩn đoán, mẹ nên xem các thành phần của sữa và tuyệt đối không sử dụng tránh gây dị ứng cho con qua đường sữa mẹ.

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

  • Nếu như mẹ không đủ sữa cho con hoặc không có sữa, bắt buộc phải nuôi con bằng sữa ngoài phải thay thế loại sữa công thức cho con. Cần có sự tham vấn của bác sĩ trong tình huống này để đảm bảo con không bị dị ứng và cũng không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Một số loại sữa có thể thay thế sữa công thức thường dùng để tránh dị ứng là:

  • Sữa công thức thủy phân mở rộng (EHF) với protein từ đậu nành giúp hạn chế tình trạng dị ứng với các loại sữa thông thường.
  • Sữa công thức nguyên tố (EF) được sản xuất từ protein và các axit amin ở dạng đơn giản nhất cho trẻ dễ hấp thu và tránh dị ứng.
  • Sữa công thức thủy phân một phần (PHF) giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn nhưng cũng có thể gây ra dị ứng nhẹ nên đây không phải là sữa được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, khi cho trẻ ăn cần đặc biệt chú ý quan sát đến các phản ứng của trẻ. Nếu thấy có dấu hiệu dị ứng cần ngưng sử dụng ngay lập tức và đưa trẻ đi cấp cứu.

Phản ứng dị ứng giảm dần khi trẻ lớn lên. Vì thế, trong một số trường hợp các bác sĩ có thể tiến hành thực nghiệm thực phẩm để tập cho trẻ sử dụng sữa trở lại. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện khi có sự theo dõi của bác sĩ.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng