Trẻ thường xuyên nháy mắt, những điều mẹ cần biết.

Nháy hoặc chớp là phản xạ của mắt khi làm việc quá tải, co thắt cơ mi hoặc cần tiết nước mắt vì mắt khô. Nháy mắt liên tục có thể xảy ra trong các trường hợp như: thiếu ngủ, căng thẳng thần kinh, thiếu máu, mắc các tật khúc xạ cận thị – viễn thị – loạn thị, rối loạn điều tiết mắt, viêm kết mạc…

Nháy mắt là một hiện tượng sinh lý bình thường. Nhịp nháy mắt trong lúc nói chuyện cao hơn lúc nghỉ ngơi và thấp nhất trong lúc đọc sách. Trung bình ở người lớn khoảng 15 lần nháy mắt trong một phút. Tuy nhiên nháy mắt quá nhiều lại được xem là một bệnh lý cần được quan tâm.

Bệnh nháy mắt nhiều (cả 2 mắt) thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi, thời gian kéo dài từ 2-3 năm. Nếu xuất phát từ thói quen (do co thắt cơ nâng mí nhanh và nhịp nhàng), không có tổn thương thị giác thì sẽ tự khỏi sau vài tháng đến 1 năm.

Trẻ nhỏ nháy mắt nhiều lần trong ngày phụ huynh cần lưu ý
Nháy mắt quá nhiều có thể do thứ phát của một rối loạn ở bề mặt nhãn cầu và mi mắt hoặc một biểu hiện để chống lại một tác nhân gây khó chịu (dị vật kết mạc, giác mạc) hoặc do một số rối loạn ở bán phần trước (viêm giác mạc, chắp lẹo, viêm mí mắt, đau mắt đỏ) hoặc có thể do sai lệch khúc xạ không được điều chỉnh.

Nháy mắt nhiều lần gây ra những bệnh lý nguy hiểm về mắt

Ở nước ta, điều kiện khí hậu khô nóng, môi trường nhiều khói bụi và tương đối ô nhiễm nên vấn đề vệ sinh cá nhân của trẻ có yếu tố quan trọng, đặc biệt là tránh thói quen trẻ hay dụi tay vào mắt.

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường: đỏ mắt, chảy nước mắt, chói và sợ ánh sáng, hay dụi và nheo mắt khi nhìn, than đau ở mi và trong mắt… cần đưa trẻ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nhãn. Chẩn đoán của bác sĩ sẽ giúp phụ huynh loại bỏ nguyên nhân bệnh, phát hiện những bệnh lý và điều trị kịp thời hoặc sớm ngăn chặn thói quen nháy mắt nhiều của trẻ.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng