Truy tìm nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ và ngứa ở cổ

Trẻ bị nổi mẩn đỏ và ngứa ở cổ là tình trạng khá phổ biến. Tuy là vấn đề không đáng lo ngại nhưng vẫn khiến cha mẹ lo lắng cho các bé.

Không riêng gì các bé mới sinh, trẻ bị nổi mẩn đỏ và ngứa ở cổ. Nếu là người lớn, bạn sẽ cảm nhận rõ các nốt mẩn đỏ nổi dày quanh khu vực này, đây không phải là nổi mụn ở cổ. Đôi khi nó có thể tập trung thành mảng hoặc rải rác khắp vùng cổ.

Muốn điều trị triệt để tình trạng da nổi mẩn đỏ và ngứa ở cổ trẻ, bạn cần rõ nguồn cơn của vấn đề. Một vài lý do phổ biến đưa đến việc này bao gồm:

Kích ứng da

Các nếp gấp ở vùng da cổ bé có thể liên tục cọ sát vào nhau và vào áo quần của trẻ. Sự ma sát liên tục này sẽ gây kích ứng da, dẫn đến trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ (nổi mẩn đỏ ngứa ở cánh tay cũng có thể xuất hiện khi bị kích ứng da tương tự).

Rôm sảy (prickly heat)

Rôm sảy hay phát ban nhiệt là một bệnh lý thông thường ngoài da xảy ra khi thời tiết nóng. Sự nóng bức khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn gây bít tắc ống bài tiết trên da, từ đó dẫn đến nổi mẩn đỏ trên da và ngứa. Các nốt mẩn đỏ hoặc hồng ở vùng đầu, cổ và vai (các khu vực có nhiều nếp gấp) xuất hiện tuy không gây đau, nhưng khiến trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu.

Nhiễm nấm

Nổi mẩn đỏ ở cổ cũng có thể xuất hiện nếu trẻ bị nhiễm nấm. Khí hậu nóng, ẩm ở nước ta chính là điều kiện lý tưởng để các loại nấm (điển hình như candida) phát triển và gây bệnh. Đặc biệt, các nếp gấp da ở cổ bé sẽ là nơi sinh sản hoàn hảo cho các loại nấm như vậy nếu mồ hôi và hơi ẩm bị “mắc kẹt” tại đây.

Vết cò mổ (stork bites)

Bớt hồng cam hay dân gian còn gọi là vết cò mổ hình thành do sự giãn nở của các mạch máu nhỏ hoặc mao mạch. Vết bớt này thường nằm ở sau gáy, màu hồng hoặc đỏ nhạt, phẳng và không có viền xác định. Bạn có thể nhận thấy rõ vết cò mổ hơn khi nhiệt độ phòng thay đổi. Bớt hồng cam này thường tự khỏi mà không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào.

Nguồn : Sức khỏe 24h