Vì sao bạn không thể có thai lần hai? – Nguyên nhân, cách phòng và điều trị bệnh vô sinh thứ phát?

Cho dù đã sinh con đầu lòng nhưng có những trường hợp không thể mang thai ở những lần tiếp theo. Những trường hợp này gọi là vô sinh thứ phát. Do đâu dẫn đến tình trạng này?

1. Vô sinh thứ phát là gì?

Vô sinh thứ phát là hiện tượng cặp đôi đã từng sinh con (hoặc mang thai, kể cả những lần thai bị sẩy) nhưng giờ không thể thụ thai được nữa. Thông thường, tâm lý chung của các cặp vợ chồng khá chủ quan trong vấn đề này vì nghĩ đã sinh con rồi nên mọi thứ sẽ ổn. Nhưng thực tế, rất nhiều trường hợp cặp đôi cảm thấy khá bất ngờ và lúng túng khi phát hiện mình bị vô sinh thứ phát.

Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang tăng nhanh, chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh và gia tăng hơn các năm trước khoảng 15 – 20%. Vô sinh hiếm muộn đang dần trẻ hóa, đáng báo động là có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Tỉ lệ vô sinh ở nam cũng ngày càng tăng cao

2. Những trường hợp có thể dẫn đến vô sinh thứ phát

– Đối với nữ giới:

  • Nguyên nhân có liên quan đến cổ tử cung: Tiền sử nạo thai, sẩy thai hoặc tổn thương cổ tử cung sau sinh sẽ làm thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung và làm giảm lượng chất nhầy, vì vậy việc tinh trùng bơi qua sẽ khó khăn hơn, làm giảm khả năng sống của tinh trùng.
  • Nguyên nhân liên quan đến tử cung và ống dẫn trứng: Tiền sử nhiễm trùng đường sinh dục, viêm cổ tử cung, viêm ống dẫn trứng, u xơ tử cung, dị dạng tử cung, viêm vùng chậu… có nguy cơ cao bị vô sinh nữ thứ phát vì trứng khó rụng hoặc trứng bị dị tật.

Nguyên nhân vô sinh thứ phát ở nữ giới

  • Nguyên nhân liên quan đến rối loạn rụng trứng: Bắt nguồn từ rối loạn về yếu tố tâm lý, stress kéo dài, hoạt động thể thao quá mức hoặc các bệnh lý buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm…
  • Nguyên nhân liên quan đến tuổi tác: Khả năng sinh sản nữ giới sẽ giảm dần theo tuổi tác, phụ nữ sau tuổi 35 sẽ khó thụ thai hơn rất nhiều.
  • Nguyên nhân do các biện pháp tránh thai: Đặt vòng hay uống thuốc tránh thai liên tục trong thời gian dài ít nhiều có ảnh hưởng đến việc sinh sản, ngoài ra việc đặt vòng ở tử cung còn là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm phụ khoa. Bình thường, nếu dùng thuốc tránh thai trong thời gian ngắn rồi dừng lại, sau một thời gian chức năng buồng trứng sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc tránh thai quá lâu, quá liều từ năm này qua năm khác sẽ gây ức chế buồng trứng, ức chế phóng noãn, buồng trứng bị ức chế trường diễn nên rất khó khăn để trở lại bình thường.

– Đối với nam giới:

  • Theo thống kê, tỷ lệ nam giới bị vô sinh thứ phát ngày càng nhiều. Chủ yếu do những bất thường về tinh trùng như: rối loạn trong quá trình sinh tinh, nhiễm trùng đường sinh dục và bộ phận sinh dục.
  • Nam giới làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, phóng xạ, tia bức xạ chính là nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng yếu tinh trùng hoặc không có tinh trùng, gây ra nhiều nguy cơ về rối loạn hoạt động của bộ phận sinh dục ở nam giới.
  • Bất thường cấu trúc cơ quan sinh dục: Không có ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh, ẩn tinh hoàn…;
  • Stress kéo dài: Đàn ông thức khuya nhiều, làm trong môi trường nóng, đặc biệt thói quen uống rượu, hút thuốc lá rất ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Nguyên nhân tiếp theo gây ra hiện tượng khó có thai lần hai là chế độ ăn uống hàng ngày của hai vợ chồng. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, công việc quá bận rộn và căng thẳng khiến cho nội tiết tố thay đổi, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng khó có thai lần hai. Ở người vợ, sự thay đổi nội tiết tố khiến buồng trứng khó rụng trứng, kinh nguyệt không đều. Ở người chồng, tinh trùng yếu dẫn đến khó thụ thai hay khó có thai lần hai.

3. Phòng và điều trị vô sinh thứ phát

Để tránh tình trạng vô sinh thứ phát, ngoài việc cân nhắc về tuổi tác của người mẹ để có thai, điều kiện kinh tế gia đình, các cặp vợ chồng không nên kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con, thời gian lý tưởng là từ 3 – 5 năm

Trong vòng một năm, nếu vợ chồng sinh hoạt tình dục và không sử dụng bất kỳ phương pháp tránh thai nào nhưng lại không có thai, cả hai nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Vợ chồng sinh hoạt tình dục và không sử dụng bất kỳ phương pháp tránh thai nào nhưng lại không có thai, cả hai nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Với những trường hợp vợ hoặc chồng mắc bệnh nan y, cần phải điều trị lâu dài và có khả năng ảnh hưởng đến việc thụ thai, bạn có thể nhờ biện pháp lưu giữ tinh trùng để có thể sử dụng khi cần.

Hiện nay, việc điều trị vô sinh thứ phát không quá khó. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần nhận biết và đi khám sớm. Tùy vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác của mỗi cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp để họ có cơ hội sinh thêm con. Hiện đã có những kỹ thuật điều trị đơn giản có thể thực hiện ở tuyến y tế cơ sở giúp phụ nữ bị vô sinh thứ phát điều trị như chữa viêm nhiễm đường sinh dục bằng cách đặt thuốc âm đạo, đốt lộ tuyến cổ tử cung. Đối với nam giới, nếu không thành công bằng cách điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ chuyển sang kỹ thuật lấy tinh trùng bằng phẫu thuật.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng