Vì sao phải nói “trộm vía”, đặc biệt là khi khen trẻ?

Chẳng có trong từ điển, cũng chẳng cần ai dạy, nhưng với văn hóa của người Việt mỗi khi khen ai đó đều phải nói "trộm vía", đặc biệt với trẻ nhỏ.

“Trộm vía” là câu cửa miệng mọi người hay dùng để khen một đứa trẻ hoặc 1 điều gì đó. Vậy cụm từ này có hàm nghĩa là gì? Tại sao phải nói như vậy?

“Trộm vía” là gì?

1. Theo quan niệm xưa

Chúng ta hay dùng từ này trước mỗi câu khi khen một đứa trẻ như “trộm vía, em bé yêu quá” hay khen ai đó có làn da đẹp “trộm vía, da bạn dạo này đẹp thế”. Từ này đã đi vào đời sống giao tiếp của người Việt và trở thành thói quen rộng rãi và phổ biến. Tính từ này mang đậm văn hóa tâm linh, thể hiện bản sắc của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung.

“Trộm vía” không có khái niệm cụ thể nghĩa là gì? Nhưng theo dân gian con người có tất cả 7 vía. Trẻ bị ốm đau, bệnh tật nếu như một trong bảy vía bị động chạm. Thông thường trẻ khi sinh ra rất yếu ớt, vía còn non yếu và cần được bảo vệ. Chính vì thế, việc nói “trộm vía” trước mỗi câu khen được coi như lời xin phép với các bề vía để tránh trường hợp người nói vía dữ át vía trẻ.

Bên cạnh đó, theo quan niệm xưa nếu tên đẹp sẽ dễ bị ma quỷ trêu và việc khen trực tiếp một em bé nào đó cũng được mọi người kiêng kị. Vì vậy, người lớn thường thêm từ trộm vía đằng trước để tránh điềm gở trái lại với lời khen.

2. Theo câu chuyện về biểu tượng Evil eye (Mắt ác)

Xuất phát từ nguồn gốc Hy Lạp cổ đại được tìm thấy trong Kinh Thánh, Hồi giáo. Evil eye được tin là lời nguyền gieo rắc điềm xấu như xui xẻo, thương tích… Không cần thần dược phức tạp, lời nguyền này hoàn toàn có thể xảy ra một cách vô tình hoặc cố ý.

Cụ thể, khi một ai đó không ngừng khen ngợi và tán dương bạn nhưng thâm tâm họ thực chất chỉ chứa sự ghanh ghét thì có thể, bạn sẽ trải nghiệm phản ứng ngược cho thứ tốt đẹp mà mình đang có.

Và để tránh hậu quả nghiêm trọng, người xưa đã tạo ra một biểu tượng trùng tên có hình con mắt màu xanh dương. Nó được sử dụng rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau. Biểu tượng này lại mang năng lượng tích cực của sự hộ vệ và bình an. 

Thật ra, người Việt Nam cũng biết về điềm xấu này nên chúng ta hay có từ “trộm vía” sau mỗi lời khen. Từ này cũng được sử dụng trong văn hoá giao tiếp, nhất là khi họ muốn khen em bé nhưng sợ nó ốm hoặc quấy khóc. 

Tại sao nói “trộm vía”?

Có bao giờ bạn thắc mắc người ta nói “trộm vía” chứ không phải là trộm hình, trộm bóng, trộm phách hay trộm hồn? Lý giải điều này là do, con người có 2 giới, mỗi giới sẽ có vía khác nhau.

Trong tiếng Hán cổ, từ “hồn” và “vía” là cách đọc của từ “hồn phách”. Phần “hồn” thể hiện sự linh thiêng của con người, còn phần “phách” nói lên khí chất. Trong cổ ngữ chuyển âm sang tiếng Việt, “phách” có nghĩa là “vía”. Đến đây, chúng ta không chỉ hiểu “trộm vía” là gì, mà còn biết được tại sao lại là trộm vía chứ không phải trộm hồn. Bên cạnh đó, cách nói trộm hồn là được dùng cho người đã mất.

Từ “trộm vía” được sử dụng rộng rãi nhưng chưa có một khoa học nào chứng minh được điều này. Tuy nhiên, đây là phạm trù tâm linh và tín ngưỡng dân gian, chúng ta cũng nên tôn trọng và “có kiêng có lành”.

 

 

 

 

Nguồn : bau.vn