Xuất huyết khi mang thai nguy hiểm thế nào và cách xử trí

Xuất huyết khi mang thai trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ đều là biểu hiện bất thường cần lưu ý. Vì vậy mẹ bầu hiểu rõ cách xử trí xuất huyết khi mang thai là điều rất quan trọng.

Có khoảng 25% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng xuất huyết trong thai kỳ. Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào thời điểm diễn ra. Nếu gặp phải tình trạng này, các thai phụ cần biết cách xử trí xuất huyết khi mang thai vì nó có thể gây nguy hại đến sức khỏe.

Cách xử trí xuất huyết khi mang thai trong 3 tháng đầu

Đặc điểm chung của xuất huyết trong giai đoạn này

  • Xuất huyết âm đạo xảy ra vào tam cá nguyệt 1 (đến 13 tuần 6 ngày).
  • Xảy ra ở 20 – 30% phụ nữ mang thai.
  • Xuất huyết có thể nhẹ hay nặng, thoáng qua hay hằng định.
  • Mẹ bầu có thể cảm thấy đau bụng hoặc không.
  • Chỉ 1% trường hợp cần truyền máu.

Cách xử trí xuất huyết khi mang thai trong 3 tháng đầu theo từng nguyên nhân

Dọa sảy thai

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng xuất huyết trong 3 tháng đầu thai kỳ

Biểu hiện thường gặp:

  • Ra máu âm đạo lượng ít, màu đỏ hay bầm đen.
  • Có thể có trằn nặng bụng dưới hay đau lưng
  • Khi bác sĩ khám âm đạo sẽ thấy cổ tử cung đóng kín. Thân tử cung to tương ứng tuổi thai.
  • Hình ảnh trên siêu âm thai: có khối máu tụ chung quanh trứng hoặc sau nhau.

Cách xử trí:

  • Nằm nghỉ.
  • Có thể dùng progesterone tự nhiên để giảm co thắt cung.
  • Nên tránh lao động nặng và kiêng giao hợp ít nhất đến 2 tuần sau khi ngưng ra máu.
  • Nếu có viêm âm đạo cần phải được điều trị.

Sẩy thai khó tránh

Như tên gọi, nếu nguyên nhân của ra huyết 3 tháng đầu là sẩy thai khó tránh, điều này có nghĩa mẹ bầu phải chuẩn bị tâm lý cho một thai kì không thành công

Biểu hiện thường gặp:

  • Ra máu âm đạo nhiều, đỏ tươi hay ra dây dưa nhiều ngày.
  • Đau bụng dưới ngày càng tăng, đau thắt từng cơn.
  • Khi bác sĩ khám âm đạo sẽ thấy cổ tử cung hé mở và xóa mỏng, thân tử cung to tương ứng tuổi thai, đôi khi đau khi lắc cổ tử cung.

Cách xử trí:

  • Nếu tình trạng chảy máu nặng nề, mẹ cần đi khám ngay lập tức để lấy thai ra. Chỉ có như vậy mới có thể cầm máu ngay, tránh biến chứng sốc mất máu đôi khi gặp.
  • Nếu thai còn nhỏ có thể hút thai. Nếu thai to thì phương pháp lựa chọn là nong cổ tử cung và nạo gắp thai.

Thai ngoài tử cung vỡ

Biểu hiện thường gặp:

  • Trễ kinh hoặc mất kinh
  • Rong huyết
  • Đau hạ vị hoặc hố chậu tăng dần, sau đó có lúc đau nhói nhiều như dao đâm, muốn xỉu.
  • Sốc mất máu, sốc đau.

Cách xử trí: Có 3 phương pháp sau để lựa chọn

  • Theo dõi (không can thiệp) cho đến khi thai ngoài tử cung thoái triển hoàn toàn
  • Điều trị nội khoa: dùng Methotrexate.
  • Điều trị ngoại khoa: mổ cắt vòi trứng toàn phần hoặc xẻ vòi trứng bảo tồn. Đặc biệt ưu tiên nếu thai ngoài tử cung vỡ.

Thai trứng

Nguyên nhân thai trứng do sự phát triển bất thường của gai nhau. Trong đó một phần hay toàn bộ bánh nhau bị thoái hóa thành những túi dịch to nhỏ, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung ấn át sự phát triển của bào thai.

Biểu hiện thường gặp:

  • Xuất huyết âm đạo gặp trong > 90% trường hợp. Mức độ thay đổi từ ít đến nhiều. Ra máu xảy ra đột ngột trước khi sẩy thai. Thường gặp rong huyết ít hàng tuần hay hàng tháng.
  • Nghén nặng.
  • Bụng to nhanh bất thường so với thời gian mất kinh, không thấy thai máy.

Cách xử trí:

  • Hút nạo lấy thai
  • Bắt buộc phải theo dõi sát sau hút nạo. Sau hút nạo, 15% sẽ diễn tiến thành thai trứng xâm lấn tại tử cung và 4% gây ung thư nguyên bào nuôi.

Cách xử trí xuất huyết khi mang thai nửa cuối thai kỳ

Đặc điểm chung của xuất huyết trong giai đoạn này

  • Mọi xuất huyết âm đạo xảy ra trong tam cá nguyệt thứ II và III đều là bất thường.
  • Xuất huyết tử cung xảy ra sau tuần thứ 28 của thai kỳ có thể là 1 cấp cứu.
  • Mức độ xuất huyết có thể từ rất nhẹ đến nặng, có thể có hoặc không có kèm theo đau bụng.

Nguyên nhân gây xuất huyết cấp cứu thường gặp và cách xử trí

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo được định nghĩa là khi nhau bám ở đoạn dưới tử cung mà không bám ở vị trí bình thường của nó.

Biểu hiện thường gặp:

  • Xuất huyết âm đạo là triệu chứng chính. Đặc điểm điển hình: ra máu đột ngột, thường không kèm đau bụng;  máu đỏ tươi, có cục; thường ra ít trong lần đầu, ngưng tự nhiên, nhưng tái phát nhiều lần với số lượng tăng dần.
  • Mẹ bầu sẽ có nhiều lần xuất huyết rỉ rả trước một lần xuất huyết ồ ạt. Chảy máu thường xuất hiện ở tuần thai 29-30. Đợt chảy máu đầu tiên thường tự cầm trong 1-2h
    • Nguyên nhân chảy máu là do cơn co tử cung, khiến cho các hồ máu nơi nhau bám bị rách, chảy máu ra ngoài
    • Nguồn gốc chảy máu là máu mẹ, thai nhi không bị thiếu máu trừ khi mẹ mất máu quá nặng gây sốc giảm thể tích
  • Tử cung mềm, không căng đau.
  • Có khi mẹ không gặp triệu chứng gì. Chỉ phát hiện được nhau tiền đạo qua siêu âm.

Cách xử trí:

  • Tùy thuộc vào tuổi thai, mức độ chảy máu, đã vào chuyển dạ chưa.
  • Nếu thai < 8 tháng, trọng lượng thai < 2000g, ra máu ít
    • Không cần khám âm đạo
    • Mẹ nhập viện theo dõi và siêu âm để xác định chẩn đoán.
    • Nếu cần, truyền bù máu.
    • Có thể dùng thuốc giảm co thắt. Mục đích là cố gắng kéo dài thêm thai kỳ với các điều kiện an toàn cho cả mẹ lẫn thai.
  • Nếu thai gần ngày sanh, trọng lượng thai > 2.500g, đã có chuyển dạ hoặc đang ra máu nhiều
    • Chấm dứt thai kì
      • Mổ lấy thai: nhau tiền đạo toàn phần, bán phần. Nếu cổ tử cung chưa thuận lợi, tiên lượng chuyển dạ còn kéo dài lâu mà đang ra máu nhiều thì phải giải quyết mổ sanh sớm
      • Sanh ngả âm đạo: có thể cân nhắc khi nhau bám thấp.

Nhau bong non

Bánh nhau bám ở vị trí bình thường bị bong sớm 1 phần hoặc toàn phần trước khi thai sổ.

Biểu hiện thường gặp:

Nhau bong non điển hình có các triệu chứng: xuất huyết âm đạo, đau bụng, tử cung co cứng.

  • Xuất huyết âm đạo: 70-80% trường hợp. Máu bầm đen, không đông. Lượng máu chảy ra ngoài không phản ảnh đúng số lượng máu mất.
  • Đau bụng: đột ngột, liên tục, thường kèm với đau lưng.
  • Tử cung gò cứng và đau.
  • Thai suy hoặc mất tim thai.
  • Dấu hiệu sốc thay đổi tùy trường hợp.

Cách xử trí:

  • Xử trí đầu tiên là hồi sức cho mẹ, bồi trả khối lượng tuần hoàn.
  • Nhau bong non thể vừa và thể nặng thì xử trí là phải chấm dứt thai kỳ trong 1 thời gian ngắn. Càng kéo dài, dự hậu của mẹ và thai càng xấu, càng dễ kèm theo các biến chứng nguy hiểm khác.
  • Trong nhau bong non thể nhẹ và trung bình, chấm dứt thai kỳ bằng cách cho sanh ngả âm đạo hay mổ sanh tùy thuộc vào tình trạng của thai nhi, ngôi thai và cổ tử cung.

Vỡ tử cung

Đây là trường hợp có thể xảy ra trong thai kỳ, trong quá trình chuyển dạ.

Biểu hiện thường gặp:

  • Thường xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, không có dấu hiệu dọa vỡ.
  • Đột ngột đau nhói ở tử cung, nhất là ở chỗ mổ cũ của lần sinh mổ trước.
  • Bụng chướng, lình phình.
  • Khi thai đã bị đẩy ra khỏi buồng tử cung, sẽ nắn thấy rõ các phần của thai nhi nằm ngay sát dưới thành bụng.
  • Nếu thai chết, không còn nghe được tim thai.
  • Khám âm đạo có máu đỏ tươi.

Cách xử trí:

  • Mổ sinh cấp cứu. Tiên lượng em bé tốt khi thời gian từ khi chẩn đoán tới khi sanh trong vòng 20 phút. Kết cục xấu lâu dài xảy ra khi thời gian quyết định cho sanh > 30 phút.
  • Sau vỡ tử cung, sản phụ vẫn được phép mang thai lại. Nhưng, không được sinh ngả âm đạo.

Nguồn : bau.vn