4 mốc phát triển của trẻ 3 tháng tuổi bố mẹ cần biết để chăm sóc bé tốt hơn

Sự phát triển nhanh chóng của trẻ 3 tháng tuổi có thể sẽ khiến bố mẹ bất ngờ. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ khóc ít hơn, các phản ứng đa dạng hơn, bố mẹ sẽ thấy bé có vẻ khôn lớn hơn mỗi ngày.

Bài viết của bau.vn sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về 4 mốc phát triển chủ yếu của trẻ 3 tháng tuổi để có thể nuôi dạy và chăm sóc bé một cách tốt nhất.

Mốc phát triển đầu tiên: 12 tuần tuổi

Ở giai đoạn 12 tuần tuổi thì trẻ vẫn còn ngủ nhiều. Lúc này, mô hình giấc ngủ của trẻ đã đang dần được hình thành tuy nhiên vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bố mẹ hãy cố gắng đảm bảo rằng con ngủ vài giờ vào ban ngày. Như vậy sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm.

Ngủ đủ giấc giúp cho đôi mắt của bé cũng phối hợp tốt hơn. Bên cạnh đó, nó cũng khiến khả năng nhận thức của trẻ phát triển hơn. Trong trường hợp nhận thấy trẻ có biểu hiện thường xuyên nheo mắt hoặc mắt có biểu hiện không bình thường, bố mẹ nên ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Bởi vì các dấu hiệu kể trên có thể là cảnh báo vấn đề về thị lực của trẻ trong tương lai.

Mốc phát triển thứ hai của trẻ 3 tháng tuổi: 13 tuần tuổi

13 tuần tuổi này chính là thời điểm tầm nhìn của trẻ liên tục phát triển. Vì thế, bé sẽ bắt đầu cảm nhận được màu sắc và có thể nhìn các chuyển động ở xa đến khoảng 7 mét. Đây cũng chính là giai đoạn thích hợp để bố mẹ cho bé ngửi thử mùi hoa tươi hoặc các loại rau và trái cây có mùi thơm. Vào tuần thứ 13, trẻ cũng đã có thể quay đầu nhìn về phía phát ra âm thanh.

Lúc này, bé nhà bạn sẽ học cách dùng tay để kéo, nắm. Do đó, sẽ xảy ra tình trạng bé nắm bất cứ thứ ở gần, bao gồm cả tóc, quần áo… của bạn. Trong giai đoạn này, kỹ năng vận động, phối hợp tay và mắt của con sẽ trở nên tốt hơn.

Việc bé la hét sẽ là khá thường xuyên trong giai đoạn này. Một điều đặc biệt nữa, nếu để ý bố mẹ sẽ thấy bé có thể giật mình hoặc tự vỗ về mình sau khi thét hay khóc.

Mốc phát triển 14 tuần tuổi

14 tuần tuổi bé đã bắt đầu phân biệt được màu sắc và các màu đậm. Bởi vậy, khi đó thế giới của trẻ đã rực rỡ và tràn ngập màu sắc. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ bắt đầu phản ứng tích cực hơn với sự hiện diện của bố mẹ hay người thường xuyên chăm sóc trẻ và có phản ứng rõ ràng hơn khi nghe giọng nói của những người quen.

Giai đoạn này, bé sẽ cười nhiều hơn khi nhìn thấy hình ảnh em bé trong cuốn sách đồng thời cũng sẽ thích nhìn chăm chú vào gương. Vào tuần 14, có thể không hiểu rằng đó là hình ảnh của chính mình được phản chiếu trong gương. Nguyên nhân trẻ tỏ ra phấn khích như vậy có lẽ là cảm thấy đứa trẻ trong gương đang mỉm cười với mình.

Mốc phát triển cuối cùng của trẻ 3 tháng tuổi: 15 tuần tuổi

Đây là thời điểm mà hầu hết các bé đều đã bắt đều biết lật. Dù vậy nhưng các bé sẽ cần sự trợ giú của người lớn để có thể quay trở lại tư thế nằm ngửa. Thêm một khoảng thời gian phát triển nữa, khi đó, cơ cổ và cơ bụng của trẻ đã trở nên mạnh mẽ hơn. Như vậy thì trẻ mới dễ dàng tự mình thực hiện động tác lật mình trở lại sau khi lật úp.

Bố mẹ có thể hỗ trợ bé tăng cường sự phát triển của cơ bắp bằng cách đặt gối phía sau lưng bé khi cho bé ngồi (tư thế dựa) hoặc điều chỉnh ghế nằm của xe đẩy thẳng hơn một chút. Cách tốt nhất, bố mẹ hãy đặt con nằm úp trong vài phút mỗi ngày để bé quen với việc này.

Nguồn : bau.vn