Mệt mỏi trong người là triệu chứng thường gặp của tất cả phụ nữ ngay kể từ khi chuẩn bị đến ngày “đèn đỏ”, gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Các dấu hiệu của hội chứng PMS còn có thể bao gồm đầy hơi, chuột rút và đau đầu. Ngoài ra, thân nhiệt của bạn còn có thể tăng cao trước khi có đèn đỏ khiến bạn càng khó ngủ hơn.
Hãy thử áp dụng các bí quyết đơn giản sau đây nhé!
1. Uống đủ nước mỗi ngày
Khi cung cấp nước cho cơ thể, bạn nên thử áp dụng một số bí quyết giúp bạn uống nước thường xuyên hơn sau đây:
• Lượng nước uống: Lượng nước uống khuyến nghị hằng ngày là khoảng 2,5 lít. Tuy nhiên, các loại thực phẩm trong chế độ ăn hằng ngày đã chứa khoảng 1/5 lượng nước khuyến nghị nên bạn chỉ cần uống thêm 9 – 12 ly nước.
• Hương vị mới: Bạn có thể tạo thêm hương vị mới cho nước tinh khiết với chanh, cam, bưởi, dưa hấu, dưa leo, bạc hà… Đây còn có thể xem là một cách làm nước detox trái cây đơn giản giúp cơ thể thanh lọc độc tố.
• Rau củ quả: Theo khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Y dược, bạn nên hấp thu 20% lượng nước cơ thể cần mỗi ngày thông qua thói quen ăn trái cây và rau củ mọng nước. Các loại rau củ quả chứa nhiều nước có thể kể đến là dưa hấu, dưa leo, rau cần tây…
Nhiều người thắc mắc: “Đèn đỏ có nên uống nước dừa không?”. Thực tế, bạn có thể uống nước dừa khi hành kinh để tử cung được điều hòa, co bóp nhẹ nhàng hơn, làm giảm bớt các cơn đau thắt trong ngày đèn đỏ.
2. Ăn thực phẩm bổ dưỡng để hết mệt trong người
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh trước ngày đèn đỏ có thể giúp cải thiện năng lượng của cơ thể. Bạn nên bổ sung vào thực đơn các loại thực phẩm sau: các loại đậu, rau xanh, axit béo omega-3, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua… Đặc biệt, sữa chua chứa nhiều canxi, vitamin và lợi khuẩn có thể giúp giảm đau bụng kinh khi đến ngày “đèn đỏ”.
Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ bổ sung 1.200mg canxi mỗi ngày sẽ giúp giảm 30% nguy cơ đau bụng kinh so với những người chỉ bổ sung nhỏ hơn 500mg canxi mỗi ngày.
Bạn nên tránh các thực phẩm hoặc nước uống có nhiều đường như nước ngọt đóng chai, nước soda, nước tăng lực… Thực phẩm chứa nhiều đường có thể khiến đường huyết của bạn tăng đột biến dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
3. Tập thói quen đi ngủ sớm
Những thói quen ngủ sớm có ý nghĩa rất quan trọng cho bạn trong những ngày bị hội chứng tiền kinh nguyệt. Bạn có thể tập những thói quen ngủ tốt cho sức khỏe sau đây:
- Đi ngủ đúng giờ để đảm bảo đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm
- Không dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ
- Tránh ăn tối quá trễ hoặc uống cà phê 4 – 6 tiếng trước khi ngủ
Nếu đau bụng kinh gây khó ngủ, bạn có thể chọn tư thế nằm giảm đau bụng để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Bạn hãy thử ngủ trong tư thế bào thai bằng cách nằm nghiêng, cuộn người, 2 chân ép sát vào nhau. Bạn ngủ trong tư thế này sẽ giúp làm giảm áp lực lên cơ bụng, nên giúp các cơ xương quanh bụng được thư giãn.
4. Tập thể dục và thư giãn để hết mệt trong người
Bạn có thể thử thực hiện những bài tập thể dục nhẹ nhàng để thư giãn cơ thể. Bạn cũng nên duy trì lịch tập thể dục trước ngày đèn đỏ để tăng cường sức khỏe cho cơ thể.
Nếu cảm thấy khó ngủ, bạn có thể chọn bộ môn yoga nhẹ nhàng. Các bài tập yoga không những giúp ngủ ngon hơn mà còn có tác dụng thư giãn tinh thần rất tốt. Bạn có thể thử các bài tập yoga giúp ngủ ngon như: tư thế em bé, tư thế nằm ngửa, tư thế gác chân…
5. Dùng thuốc bổ sung sắt
Bạn thường phải trải qua kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 4 – 7 ngày mỗi tháng, thậm chí kéo dài hơn. Mặc dù kinh nguyệt là tiến trình tự nhiên của cơ thể nhưng vẫn khiến bạn mất đi một lượng máu nhất định. Đây chính là lý do tại sao bạn thấy mệt trong người khi gặp các dấu hiệu thiếu máu trong ngày đèn đỏ như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt…
Vì vậy, bạn nên dùng thuốc bổ sung sắt ngay từ lúc trước khi có kinh nguyệt để tránh bị mệt mỏi.
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể khiến bạn mất hết năng lượng vì những cảm giác khó chịu như mệt mỏi, đau đầu, đau bụng… Tuy nhiên, nếu bạn biết cách chăm sóc sức khỏe trước ngày đèn đỏ bằng những thói quen lành mạnh thì sẽ cảm thấy nhẹ tênh!
Nguồn : Sức khoẻ cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/5-bi-quyet-giup-het-met-moi-khi-bi-hoi-chung-tien-kinh-nguyet-a189585.html