“Bà bầu” đi làm chú ý!

Tuy mệt mỏi khi mang bầu, nhưng bạn vẫn không thể "trốn tránh" trách nhiệm công việc bạn đang làm được. Vậy thì phải tìm cách thích nghi với môi trường làm việc thôi!

Để giữ sức khoẻ cho bạn cũng như cho thai nhi và không ảnh hưởng quá đến công việc, bạn cần phải biết làm thế nào để “xoa dịu” những triệu chứng thường gặp khi mang bầu, và đồng thời nhận biết những mối “hiểm họa” đe dọa đến bạn.

Giảm bớt triệu chứng buồn nôn

Trong giai đoạn đầu thời kỳ mang thai, đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất, và không ai tránh khỏi cảm giác khó chịu này. Bạn có thể làm nhẹ bớt bằng cách sau:

– Tránh tác nhân gây buồn nôn:  Có một số thực phẩm và hương thơm khiến bạn có cảm giác buồn nôn ngay khi ngửi thấy mùi. Bạn cần nhận biết để tránh xa.

– Ăn “qua loa”: Luôn “giấu” trong ngăn bàn làm việc bánh quy hoặc những đồ ăn nhẹ bạn thích. Bánh quy có thể khiến cho bạn không bị đói hoặc no quá – 2 trường hợp khiến bạn có cảm giác buồn nôn.

– Uống nhiều nước: Cơ thể bạn rất cần nước khi mang bầu, nhất là giai đoạn đầu. Nếu như cơ thể không đủ lượng nước, bạn sẽ rất dễ bị buồn nôn.

– Ngủ đủ giấc: Bạn càng mệt thì bạn sẽ càng có cảm giác bị buồn nôn, cho nên giấc ngủ khi mang thai là rất quan trọng.

Kiếm soát mệt mỏi

Ngoài cảm giác buồn nôn, bạn luôn có cảm giác thấy mệt mỏi, đặc biệt trong giai đoạn đầu và giai đoạn thứ 3 (3 tháng cuối). Bạn hãy…

– Nghỉ ngơi thường xuyên:  Mệt mỏi sẽ làm bạn mất tập trung trong công việc vì thế đừng quá sức, hãy nghỉ ngơi hợp lý. Đứng dậy và đi lại vài phút sẽ khiến bạn thấy thư giãn hơn. Vào giờ ăn trưa hoặc giờ nghỉ, nếu có thể, tắt đèn đi một lúc, rồi nhắm mắt vào, cho toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi.

– Xem xét “lịch làm việc” của cơ thể: Bạn thử ngẫm xem bạn làm việc hiệu quả nhất vào buổi nào, và hay mệt vào tầm nào. Nếu như rơi vào buổi chiều thì nên giải quyết các công việc quan trọng, cần có độ tập trung cao vào buổi sáng.

Còn nếu như bạn phải mất khá nhiều thời gian mới bắt tay vào việc lúc sáng sớm thì chỉ nên thu xếp làm các công việc lặt vặt thôi.

– Cắt bớt những công việc ngoài “phạm vi”:  Trước đây bạn có thể ôm đồm nhiều việc. Nhưng giờ thì hãy chỉ làm những công việc chuyên môn mình phụ trách thôi, để dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.

– Tập thể dục: Sau giờ làm việc, buổi tối bạn có thể đi dạo để có năng lượng cho ngày hôm sau, chứ đừng có “chây ì” ra, sẽ càng làm bạn mệt mỏi.

– Đi ngủ đúng giờ: Bạn đừng có “mượn cớ” mang bầu mà thích ngủ lúc nào thì ngủ. Như vậy thật sai lầm, vì nó sẽ khiến bạn mệt mỏi. Hãy ngủ đúng giờ, đều đặn

Cần chú ý đến độ chắc chắn của ghế. (google image)

Vận động thích hợp

Thân hình “đồ sộ” khi mang bầu sẽ khiến bạn khó khăn hơn khi đi lại, đứng lên, ngồi xuống, leo trèo cầu thang. Bạn hãy áp dụng những lời khuyên sau để thoải mái hơn nhé!

– Ngồi: Nếu như bạn làm công việc văn phòng, ghế ngồi rất quan trọng.Ghế có độ cao vừa phải để giúp bạn dễ đứng lên ngồi xuống, và có chỗ tì cánh tay, có đệm mút…Chú ý đến độ chắc chắn của ghế.

– Đứng: Khi mang bầu, sự giãn nở mạch máu khiến cho máu dồn xuống chân khi bạn đứng lâu. Hiện tượng này có thể làm bạn thấy đau, hoa mắt chóng mặt, thậm chí còn bị ngất.

Khi đứng có thể kết hợp tựa lưng vào tường, để giảm sức đè lên chân. Nếu tư thế đứng là đặc thù công việc của bạn, có thể đặt một chân lên cái hộp, hoặc cái ghế thấp. Rồi lần lượt đổi tư thế sang chân kia.

Nên đi giày sao cho thoải mái, và thỉnh thoảng bỏ giày ra cho chân nghỉ ngơi thoáng đãng.

Nếu công việc của bạn bắt buộc phải đứng suốt cả ngày, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có sự nghỉ ngơi kịp thời.

– Cúi người và bê đồ: Để tránh bị đau lưng, hãy chú ý đến tư thế chuẩn khi cúi người hoặc mang vác vật nặng. Ngồi hẳn xuống và giữ chặt vật cần mang, giữ thẳng lưng hết sức có thể. Giữ vật gần sát với cơ thể khi vận dụng cơ chân đứng dậy. Uốn cong đầu gối một bên chân sao cho đầu gối cao hơn phần eo để lấy một vật gì lên khỏi sàn nhà. Tránh xoay người khi bê đồ.

Chú ý điều kiện làm việc

Điều kiện làm việc và những công việc hàng ngày ở công sở có thể gây nguy hiểm đối với bạn. Bạn nên lưu ý khi

– Mang vác vật nặng liên tục

– Đứng quá lâu

– Làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, có độ rung mạnh, chẳng hạn như từ các nhà máy sản xuất công nghiệp

– Tiếp xúc với hoá chất độc hại

Theo dantri

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn