Bánh gạo ống – Hương vị tuổi thơ của một thời để nhớ

Trong kí ức của mỗi người chắc hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh của những chiếc bánh gạo ống giòn tan - một thức quà quê vô cùng giản dị.

Bánh ống (bỏng gạo) có dạng ống tròn, bên trong rỗng ruột nhìn tương tự như cái ống dẫn nước. Bánh thường được cắt thành từng khúc đều nhau, dài hay ngắn tùy theo sở thích của người làm lẫn người mua bánh. Bởi do hình dạng của bánh hình ống như vậy nên ở miền Tây, bánh thường được gọi là bánh gạo ống hoặc bánh ống.

Trở về tuổi thơ với bánh gạo ống

Có lẽ vẫn còn rất nhiều các bạn trẻ mỗi khi nhớ về một thời tuổi thơ đều nhớ tiếng xe xay bánh ống hoặc xe nổ bỏng gạo thì trẻ em lẫn người lớn trong xóm đều ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh ra để xí phần được làm bánh trước tiên. Bởi chỉ cần chậm chân chút xíu thôi thì các bạn phải chờ hàng giờ đồng hồ mới tới lượt mình.

Những chiếc bánh được nổ giòn tan thơm ngon còn tuỳ thuộc vào độ mix các vị khác nhau của người đi nổ bỏng. Mặc dù nguyên liệu chính là gạo trắng nhưng tùy khẩu vị từng nhà mà có người cho thêm sữa đặc, gạo lứt, ngô, đường, muối, cà phê, cacao, hạt vừng, dừa, đậu xanh, đậu đỏ… thậm chí cả mì ăn liền vào để tạo vị khác lạ.

Nhớ mỗi lần mẹ đi sát gạo là chị em trong nhà nhanh chân “bám đuôi” mẹ để còn đòi mẹ cho ăn bỏng, hay mỗi lần chiếc xe làm bánh gạo ống chạy ngang qua nhà thì trẻ con đều náo nức phụ mẹ chuẩn bị các nguyên liệu để mang ra xe, mong nhanh nhanh có bánh ăn. Và khi đã tạo ra các ống bánh hoàn chỉnh thì mọi người còn có thêm thói quen đổi bánh cho nhau để thử hương vị mới của từng nhà.

Hồi xưa, đời sống người dân chưa được khấm khá như bây giờ nên nghề nổ bỏng dạo rất đắt khách. Một số nơi, người ta còn làm được cả bánh ống có phần cây xoắn ở bên trong, chứ không đơn thuần là những chiếc bánh rỗng ruột. Dù có nhiều loại bánh khác thì đây vẫn là món quà quê rất lành vì nguyên liệu chính chỉ từ gạo.

Để làm ra những chiếc bánh ống gạo thơm ngon và có màu sắc đẹp mắt phải qua nhiều công đoạn. Món ăn vặt này được làm từ nguyên liệu gần gũi mà gia đình Việt nào cũng có đó là gạo và đường mía. Ngoài ra, người ta sẽ cân, trộn từng lon gạo với các loại gia vị: đậu xanh, đường, muối, dừa khô,… rồi cho vào chiếc cối to của máy nổ, khi máy chạy, nguyên liệu sẽ tự động chạy đến trục xoay, được nướng chín tại đây, kết dính lại và cho ra sản phẩm qua một cái ống. Chiều dài cây bánh được cắt theo ý muốn.

Nguyên lý của máy nổ bỏng ống

Máy nổ bỏng gạo cấu tạo gồm có: một khe cửa dùng nạp nguyên liệu, thân máy với động cơ có công suất thay đổi tùy theo loại máy, hệ thống xi lanh, các lõi xoắn hợp kim, một cửa ra chứa thành phẩm. Sau khi khởi động, đợi khoảng 5 phút cho máy chạy đà ổn thỏa, bạn cho nguyên liệu gạo vào (nguyên liệu đã được trộn đều từ gạo và những phụ phẩm yêu thích như đậu, đường).

Sau khi gạo được chuyển dần xuống thân máy, phần xi lanh và lõi sắt sẽ chuyển động ngược chiều với nhau và tự sinh nhiệt. Nhiệt lượng này sẽ làm chín nguyên liệu một cách tự nhiên. Nguyên liệu được ép vào khuôn và được máy phụt bỏng gạo dẫn ra ngoài qua cửa và tạo ra bỏng gạo. (Quá trình này đặc biệt có mùi thơm rất dễ chịu cho những ai yêu thích món ăn vặt này).

Đối với những cơ sở kinh doanh họ sẽ sử dụng những loại máy nổ bỏng để có thể tiết kiệm thời gian và có được sản phẩm nhanh chóng. Hoặc nếu bạn là tín đồ của món ăn vặt này, thì việc sở hữu cho mình một chiếc máy nổ bỏng là điều hoàn toàn có thể. Việc sử dụng những loại máy hiện nay đang rất phổ biến bởi sự tiện dụng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Không những vậy, với máy móc hiện đại cũng sẽ cải thiện được chất lượng của bỏng, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh bỏng hoặc cá nhân muốn kinh doanh mặt hàng này.

Dù cuộc sống giờ đã rất hiện đại và có vô vàn các món ăn vặt thơm ngon, hấp dẫn nhưng những chiếc bỏng gạo giòn tan, thơm phức vẫn luôn cuốn hút một cách kỳ lạ.

 

Nguồn : bau.vn