Bất đồng nhóm máu Rhesus giữa mẹ và thai nhi

Nhằm giúp các sản phụ hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Bầu đã có cuộc trò chuyện với Ths.BS Thu Vân - Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.

                                                                                         

Nhiều em bé khi vừa sinh ra đã mắc ngay những căn bệnh nguy hiểm như tán huyết bẩm sinh, vàng da, suy tim… thậm chí, có thể tử vong. Đó là hậu quả của một trong những nguyên nhân cơ bản về sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi. Nhằm giúp các sản phụ hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Bầu đã có cuộc trò chuyện với  Ths.BS Thu Vân – Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.

Xin bác sĩ cho biết thông tin cụ thể về nhóm máu Rhesus?

Rhesus âm – Rh (-) thuộc nhóm máu hiếm, nguy hiểm và rất ít gặp. Bình thường, người có nhóm máu này không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng khi gặp trường hợp khẩn cấp thì sẽ khó để tìm được nhóm máu phù hợp. Ngoài ra, người mẹ có Rh (-) chỉ sản xuất kháng thể  gây hại khi tiếp xúc với hồng cầu của người khác có Rhesus dương – Rh (+). Việc một người có nhóm Rhesus dương tính hay âm tính phụ thuộc vào gen trội D. Cụ thể là ở người, có hai nhóm máu chính có vai trò quan trọng trong miễn dịch là hệ ABO và hệ Rhesus. Kháng thể của hệ ABO là kháng thể tự nhiên, có sẵn trong cơ thể. Hệ Rhesus có 6 gen chính qui định thành 3 gen trội C,D,E và 3 gen lặn c,d,e. Tuy nhiên, gen trội D là gen quan trọng quyết định sự bất tương hợp nhóm máu Rhesus. Nếu có yếu tố D thì nhóm máu là Rh (+), ngược lại, sẽ là Rh (-).

Như vậy, khi nào xảy ra sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi, thưa bác sĩ?

Nếu người mẹ mang nhóm máu Rh (-) mà có con là Rh (+) thì có khả năng có sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, gây ra tình trạng thiếu máu và đôi khi, nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Cụ thể, sẽ có những nguy hiểm nào đối với thai nhi nếu có bất đồng về nhóm máu?

Nếu máu thai nhi là Rh (+), mẹ là Rh (-) thì máu mẹ có thể tạo ra kháng thể kháng Rhesus. Kháng thể này có thể đi vào bánh nhau, gắn lên hồng cầu của thai nhi gây ra hiện tượng tán huyết. Nhưng lúc đầu, trẻ sinh ra là bình thường vì hồng cầu của thai nhi mới đi qua máu mẹ vào thời điểm lúc sinh. Khi đó, trẻ được tách khỏi tuần hoàn của mẹ. Với thai nhi thứ hai có Rh (+), sẽ gây hiện tượng miễn dịch mạnh hơn. Kháng thể máu mẹ qua nhau và tấn công hồng cầu thai nhi gây thiếu máu, tán huyết, vàng da, nặng hơn có thể gây suy tim, suy gan. Tình trạng này gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh.

Riêng với sản phụ, họ có nguy cơ gì, thưa bác sĩ?

Bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch, chống lại yếu tố Rh trong máu con và gây sảy thai liên tiếp. Khi chuyển dạ, thai phụ mang Rh (-) có nguy cơ chảy máu, đôi khi cần truyền máu thì phải có nhóm máu cùng loại mới an toàn. Nhưng, đây là nhóm máu hiếm nên phải có sự chuẩn bị trước. Vì thế, những thai phụ có Rh (-) cần nhập viện sớm trước sinh khoảng một tuần để bác sĩ theo dõi.

Xin bác sĩ cho biết những phương pháp điều trị với người có nhóm máu hiếm này?

Hiện nay, việc điều trị cho sản phụ có Rh (-) đang là bài toán khó với ngành Y ViệtNam. Có thể chọn cách thay máu Rh (-) qua dây rốn khi thai nhi được 18 tuần trở lên. Tuy nhiên, đây là một thủ thuật nguy hiểm. Đôi khi, chọn cách cho sinh sớm rồi thay máu cho trẻ sau 24h sinh xong cũng là phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả. Nếu không thay máu, trẻ sẽ nhanh chóng chết trong bệnh cảnh thiếu máu nặng và vàng da nhân. 

Có cách nào để hạn chế nguy hiểm cho thai nhi không, thưa bác sĩ?

Với thai phụ, nên xét nghiệm, khám thai định kỳ để bác sĩ xác định nhóm máu nhằm tránh những rủi ro không đáng có trước khi sinh. Đầu tiên, cần kiểm tra nhóm máu AB, Rhesus. Nếu mẹ có Rh (-) thì xét nghiệm Rhesus của chồng. Nếu chồng có Rh (-) thì con chắc chắn có Rh (-). Khi đó, không cần tiêm ngừa anti D cho mẹ vì không có sự bất đồng về nhóm máu giữa mẹ và thai nhi. Ngoài ra, người có tiền sử sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc trước đây có chấm dứt thai kỳ, cần xét nghiệm nhóm máu và tiêm ngừa anti D nếu cần thiết.

Bác sĩ có lời khuyên gì cho sản phụ bị Rhesus âm tính?

Trong thai kỳ, các bà mẹ nên đi thăm khám và xét nghiệm thai nhiều hơn những thai phụ bình thường. Phải đi theo dõi thai nhi qua siêu âm để bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu thiếu máu của bào thai. Người mẹ có Rh (-) nên được phòng ngừa hiện tượng sản xuất kháng thể, bởi khi đã có kháng thể Rhesus thì Rhesus immunoglobulin không có ý nghĩa bảo vệ đối với trẻ nữa. Rhesus mẹ âm tính, cần kiểm tra tiếp kháng thể Rhesus của mẹ và nếu không có, thì mới được tiêm globulin miễn dịch Rh(D) ở tuần thứ 28 của thai kỳ. Sự ra đời của globulin miễn dịch anti-D thật sự là một cứu cánh trong việc phòng ngừa hiện tượng miễn dịch Rhesus ở thai kỳ mà mẹ có Rhesus âm tính, cũng như trong các trường hợp truyền máu bất tương hợp Rhesus.

Vậy, những trẻ có mẹ bị Rh (-), khi chào đời cần tiêm phòng gì không?

Trẻ có mẹ bị Rh (-), sẽ lấy máu cuống rốn để xác định nhóm máu, Hb, Coomb trực tiếp và bilirubin huyết thanh sau khi sinh. Nếu bé có Rh (+), nên tiêm ngừa globulin miễn dịch Rh(D) lặp lại trong vòng 72 giờ sau sinh cho bà mẹ. Nếu bé có Rh (-), sẽ không cần tiêm globulin miễn dịch Rh(D) lặp lại cho đến khi có thai trở lại.

Thưa bác sĩ, có cách nào phòng ngừa bệnh này được không?

Tốt nhất, tất cả thai phụ đều phải được kiểm tra nhóm máu. Nếu nhóm máu là Rh (-), cần kiểm tra kháng thể trong máu trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Ngoài ra, một vấn đề cũng cần xem xét phòng ngừa trong tương lai, đó là tiêm anti-D cho các bé gái mới sinh có Rh (-) mà mẹ lại có Rh (+). Như vậy, ta có thể phòng ngừa được hiện tượng miễn dịch Rhesus do hiện tượng truyền máu giữa mẹ và thai nhi.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!

  Tường Lâm (thực hiện)

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn