Bế trẻ sai cách sẽ hại con

Sau khi sinh, trong những tuần đầu, đứa trẻ nào cũng có vẻ hết sức mong manh, dễ tổn thương nên nhiều bà mẹ e ngại mỗi khi bế con lên, đặt con xuống

Bế trẻ thế nào cho đúng cách, phù hợp với các giai đoạn phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời vẫn là câu hỏi của nhiều bà mẹ trẻ. Mời các bà mẹ tham khảo bài viết sau với sự tư vấn của bác sĩ Thanh Mai (nguyên trưởng khoa sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Trung Ương).

1 – 3 tháng

Sau khi sinh, trong những tuần đầu, đứa trẻ nào cũng có vẻ hết sức mong manh, dễ tổn thương nên nhiều bà mẹ e ngại mỗi khi bế con lên, đặt con xuống. Tuy vậy, các bà mẹ cần làm quen với công việc này bởi sẽ chẳng bao giờ bạn có thể tự cho con ăn hay tắm cho bé được hoàn chỉnh nếu không biết cách bế ẵm. Cách bế trẻ trong giai đoạn này như sau:

* Bế bé lên: Luồn một tay dưới cổ để đỡ lấy đầu bé. Còn tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn. Khi hai tay đã cố định được phần cổ – đầu bé và phần lưng – mông bé, bạn có thể từ từ nhấc bé lên. Bạn cần chú ý để thân bé được nâng đỡ và đầu bé không thể ngửa ra được.

* Đặt trẻ nằm xuống: Mẹ hãy nhớ giữ chặt đầu bé, đưa cánh tay đỡ lấy xương sống, cổ và đầu bé.

* Cho con bú: Giữ đầu và thân trẻ thẳng bằng cả cánh tay và 2 bàn tay, hướng mặt trẻ đối diện với vú mẹ,đặt toàn thân trẻ sát cơ thể mẹ,mẹ ôm toàn thân trẻ (lưu ý không phải chỉ ôm phần đầu trẻ).

* Bé được 3 tháng: Bé thích khám phá thế giới xung quanh, bạn có thể bế bé quay mặt ra phía trước, một tay bạn đặt giữa 2 chân bé, còn tay kia vòng quanh ngực bé. Lúc này, đầu bé đã tương đối cứng cáp và bạn không cần phải giữ đầu bé nữa.

* Bế ngửa: Đưa một cánh tay xuống đỡ đầu và cổ bé, tay còn lại đỡ mông bé. Chú ý đầu bé phải nằm trên cánh tay mẹ, khi đó bé ở tư thế nằm ngửa. Mẹ sẽ trò chuyện và ngắm nhìn bé khi bế bé ở tư thế này.

Lưu ý: Không nên bế bé xốc nách trong giai đoạn này vì xương của bé còn mềm, đôi chân của trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi kiểu bế này, có thể trẻ sẽ bị chân vòng kiềng nếu mẹ bế xốc nách sớm và thường xuyên.

4 – 6 tháng

Từ 3 tháng tuổi trở lên, trẻ sẽ không còn ngủ nhiều như lúc mới sinh mà thức và chơi nhiều hơn. Bé đã giữ vững cổ nên không còn thích bế nằm như trước nữa. Bé thích được bế vác vai hay bế đứng quay mặt ra ngoài và có thể nhìn theo một vật di động mọi hướng. Mẹ có thể bế bé theo những cách sau:

* Bế vác vai: Mẹ dùng tay phải đỡ dưới mông bé còn tay trái đỡ phần đầu và cổ bé để đầu bé không bị ngửa ra sau. Bế bé sao cho bé áp mặt và thân vào vai bạn. Bạn có thể nâng đầu bé vượt khỏi vai một chút để bé có thể quan sát mọi thứ xung quanh.

* Bế nằm sấp: Một số bé có thể thích được bế theo tư thế úp sấp mặt, cằm và má đặt trên cánh tay mẹ. Mẹ luồn một tay xuống dưới ngực bé, sao cho cằm bé tựa vào cánh tay khi nâng bé lên. Còn tay kia mẹ đặt dưới phần mông bé. Thật nhẹ nhàng và chậm rãi, mẹ nhấc bé lên và xoay bé về phía bạn. Sau đó đưa bé lên áp vào thân bạn và luồn cánh tay nâng đầu bé về phía trước để đầu bé được thoái mái ở hõm khuỷu tay của mẹ.

Lưu ý: Giai đoạn này mẹ có thể tìm các cách bế trẻ khác nhau cho đến khi bạn tìm ra cách mà bé thích nhất. Bé sẽ tỏ ra thoải mái, không ngọ nguậy và yên ổn trong tư thế của mình. Khi tròn 6 tháng, bé giữ được thẳng đầu ở mọi phía, cột sống đã khá vững nên bé có thể ngồi dựa. Lúc này, mẹ nên tập ngồi cho bé có gối chèn xung quanh.

7 tháng trở lên

Khoảng hơn 7 tháng tuổi khi đã ngồi vững, bé sẽ thích được công kênh trên vai của một người lớn đáng tin cậy.Giai đoạn này bạn có thể bế cắp náchtrẻ nhưng nhớ không nên bế bé nhiều ở tư thế cắp nách.

Bác sĩ Thanh Mai cũng khuyên các mẹ khi bế bé, không nên lắc mạnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng của bé bởi vì não bé còn yếu, đầu nặng và cổ chưa đủ sức nâng. Không vừa bế vừa đung đưa cho bé ăn, làm như vậy bé rất dễ bị nôn trớ. 

Tường Lâm (Tạp Chí Bầu)


Nguồn : bau.vn