Các dấu hiệu “báo động” cơ thể thiếu vitamin B12 và cách khắc phục

Vitamin B12 là dưỡng chất quan trọng kết cấu nên dây thần kinh, thiếu vitamin B12 có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh.

Vitamin B12 đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Nó hỗ trợ chức năng bình thường của các tế bào thần kinh, cần thiết cho sự hình thành tế bào hồng cầu và tổng hợp DNA.

Ngoài ra, loại vitamin này còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như tăng cường năng lượng, cải thiện trí nhớ và giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Những người dễ bị thiếu vitamin B12

Người lớn tuổi: vitamin B12 được tiếp nạp vào cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống, tuy nhiên người trên 50 tuổi cơ thể bắt đầu lão hóa và việc tiếp nhận dưỡng chất cũng trở nên khó khăn.

Những người có tiền sử cắt đoạn dạ dày hoặc dùng thuốc giảm tiết dịch dạ dày kéo dài sẽ làm giảm khả năng tiết đủ axit hydrochloric trong dạ dày để hấp thụ vitamin B12 có trong thực phẩm.

Người bị thiếu máu ác tính: Cơ thể không tạo ra yếu tố nội tại cần thiết để hấp thụ vitamin B12.

Triệu chứng “báo động” cơ thể đang thiếu vitamin B12

1. Da nhợt hoặc vàng da

Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm da trở nên tái nhợt hoặc vàng ở tròng trắng mắt. Tình trạng thiếu máu xảy ra do việc sản xuất hồng cầu không đúng cách, các tế bào hồng cầu phát triển lớn hơn, dễ vỡ và không thể phân chia. Do đó, với kích thước quá lớn, chúng không thể vượt ra khỏi tủy xương và lưu thông trong máu. Vì vậy, lượng hồng cầu lưu thông trong máu giảm sút, khiến làn da bạn trở nên nhợt nhạt hơn.

Khi các hồng cầu bị phá vỡ, gan sẽ sản xuất Bilirubin – một chất màu hơi đỏ hoặc nâu. Sản sinh ra lượng bilirubin càng lớn thì các tế bào hồng cầu bị phá vỡ càng nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến làn da trở nên nhợt nhạt và mắt bị vàng.

2. Cơ thể suy nhược, chóng mặt, mệt mỏi

Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin, cơ thể bạn sẽ ít tạo ra các tế bào hồng cầu cần thiết cho việc chuyển hóa oxy. Điều này khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là rơi vào trạng thái lâng lâng. Các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các biểu hiện do thiếu ngủ, căng thẳng hoặc làm việc quá sức.

3. Thiếu vitamin B12 sẽ khiến bạn khó thở, tim đập nhanh

Nếu thiếu hụt vitamin B12 bạn sẽ cảm thấy khó thở khi gắng sức. Đó là bởi vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra các hemoglobin, một loại protein giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Tình trạng thiếu hụt loại vitamin này có thể làm giảm lưu lượng oxy đến các mô, gây ra thiếu máu và từ đó dẫn đến khó thở, tim đập nhanh.

4. Tổn thương thần kinh và hay tê bì chân tay

Suy nhược các tế bào thần kinh có thể xảy ra khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12, từ đó dẫn đến triệu chứng tê bì chân tay. Thiếu loại vitamin này, có thể dẫn đến thoái hóa tủy sống, dây thần kinh thị giác, các mô não và các dây thần kinh ngoại biên.

Nguyên nhân là do vitamin B12 cần thiết cho sự hình thành myelin, một lớp vỏ màu trắng bao quanh các sợi thành kinh làm tăng tốc độ dẫn truyền các xung thần kinh. Các dân thần kinh tủy sống sẽ bị phân rã và khiến bạn mất thăng bằng nếu không có sự bảo vệ của vitamin B12.

5. Hiện tượng táo bón, đầy hơi và chán ăn

Thiếu vitamin B12 chính là một trong các nguyên nhân gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi. Tình trạng này có thể trở thành mãn tính nếu không được điều trị. Hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng khi hàm lượng vitamin B12 thấp. Bạn có thể sử dụng các thực phẩm bổ sung vitamin B12 nhằm giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm các nguy cơ gây táo bón.

Các biện pháp khắc phục khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vitamin B12, nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý.

Đây là hàm lượng vitamin B12 cần nạp vào cơ thể đối với mỗi người, được đo bằng microgam (mcg):

Đối với người lớn, lượng vitamin B12 khuyến nghị là 2 mcg/ ngày.

Phụ nữ có thai và cho con bú là 2.6 mcg/ ngày.

Đối với trẻ em trong giai đoạn chập chững biết đi là khoảng từ 0.7 mcg/ ngày, còn trong giai đoạn niên thiếu là tới khoảng 2 mcg/ ngày.

Các thực phẩm giàu vitamin B12 chúng ta nên bổ sung vào thực đơn ăn như thịt bò, cá hồi, trứng, sữa, phomai, hải sản, thịt gia cầm…

Nếu bạn không ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, hoặc bạn gặp vấn đề sức khỏe nào đó khiến việc hấp thụ dinh dưỡng trở nên khó khăn, bạn có thể bổ sung vitamin B12 có trong vitamin tổng hợp hoặc các chất bổ sung khác và thực phẩm bổ sung vitamin B12.

 

Nguồn : bau.vn