Bệnh sốt xuất huyết diễn ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa, diễn biến thành dịch. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 kiểu huyết thanh là : DEN – 1, DEN – 2, DEN – 3, DEN – 4. Loại virus này lây truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt. Các loại muỗi gây bệnh nhu muỗi Aedes, Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh.
Khả năng người bị bệnh sốt xuất huyết là quanh năm, nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh phát dịch ở cả ở trẻ em và người lớn. Đặc điểm đặc trưng của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ đến đến tử vong.
Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh chưa có thuốc đặc trị, những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau 1 tuần.
Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ cho đến nặng, thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn hồi phục.
1. Giai đoạn sốt
Trong 3-5 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao liên tục ở 38-40 độ C kèm theo các triệu chứng chung của nhiễm vi rút như đau đầu, mỏi cơ khớp toàn thân.
2. Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn này thường xảy ra từ ngày 4 đến ngày thứ 7 kể từ ngày đầu tiên bệnh nhân sốt. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt, có các biểu hiện như
- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 – 48 giờ.
- Tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, mi mắt phù nề, gan to và có thể đau.
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện như vật vã, li bì, lạnh các chi, mạch nhanh, huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, huyết áp bị tụt hoặc không đo được, lượng nước tiểu ít.
Các triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng.
- Dấu hiệu dưới da được biểu hiện như các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
- Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như hiện tượng chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
- Dấu hiệu xuất huyết nội tạng được ghi nhận ở hệ tiêu hóa, phổi, não, đây là dấu hiệu nặng.
3. Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn hồi phục được tiếp diễn ở 3-4 ngày kế tiếp. Lúc ngày, người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt lên, bắt đầu có cảm giác thèm ăn, đi tiểu nhiều.
Trong giai đoạn này cần cẩn thận truyền dịch, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) trở về chỉ số bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại.
Số lượng bạch cầu ở trong máu sẽ thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt. Số lượng tiểu cầu dần dần trở về chỉ số bình thường nhưng có thể chậm hơn so với số lượng bạch cầu.
Biểu hiện chẩn đoán sốt xuất huyết
1. Các biểu hiện lâm sàng
Thấy người sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau thì nghi mắc sốt xuất huyết:
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da xung huyết, phát ban.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai khóe mắt.
2. Các triệu chứng cảnh báo
Xuất hiện cùng các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Người vật vã, lừ đừ, li bì.
- Cảm giác đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
- Buồn nôn và nôn nhiều.
- Xuất huyết niêm mạc.
Các phòng bệnh sốt xuất huyết
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: Bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu… để muỗi không vào đẻ trứng.
Vệ sinh khu vực ở xung quanh sạch sẽ, không để nhiều cây cối um tùm dễ là nơi muỗi sinh sản. Thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa mỗi ngày, bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Nên ngủ màn và mặc quần áo dài tay để phòng mỗi đốt vào ban ngày.
Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Nguồn : bau.vn