Cách để bạn không gặp biến chứng sau sinh mổ

Để tránh được những rủi ro, biến chứng có liên quan, sản phụ cần nhớ những điều nên làm sau khi sinh mổ sau đây.

Sinh mổ không phải là phương pháp sinh tự nhiên, vì vậy cần thời gian hồi phục lâu hơn rất nhiều so với sinh thường. Để cơ thể mau hồi phục, tránh được những rủi ro, biến chứng có liên quan, sản phụ cần nhớ những điều nên làm sau khi sinh mổ sau đây.

Đi lại ngay sau tháo bỏ ống thông

Thông thường hết thời gian nằm ở phòng hậu phẫu, chuyển về phòng bệnh, sản phụ sẽ được tháo bỏ ống thông. Ngay lúc này, dù đau và mệt nhưng mẹ vẫn nên tập đi lại ngay. Đừng nghĩ nằm lì một chỗ trên giường sẽ tốt cho cơ thể, hơn nữa cũng phải tập đi lại dần dần để còn chăm con nữa.

Không được nhịn tiểu tiện, đại tiện

Khi cần đi vệ sinh, đừng vì sợ đau và ngại đi lại mà nhịn. Việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vết mổ và vết khâu của sản phụ. Nếu quá đau và chóng mặt không thể đứng dậy, có thể dùng bô để đi tiểu tiện tại chỗ.

Chỉ ăn uống bình thường sau khi đã trung tiện (đánh hơi) được

Đây là nguyên tắc rất quan trọng cần nhớ sau khi sinh mổ. Nếu chưa đánh hơi mà đã ăn những món bình thường thì dễ bị rối loạn tiêu hóa. Sau khi đánh hơi được, có thể ăn uống bình thường nhưng nên bắt đầu với các món loãng, dễ tiêu trước. Tránh ăn những món cay nóng và nhiều đường. Sau khoảng 1 tuần có thể ăn đa dạng hơn.

Không bê vác vật nặng

Sau sinh mẹ tuyệt đối không bê vác những đồ vật nặng hơn cân nặng của em bé. Vết khâu mổ cần thời gian để lành lại, tốt nhất không làm việc nặng trong 1-3 tháng đầu sau sinh.

Cần cân nhắc việc tập luyện giảm cân sau sinh


Vì sinh mổ cần thời gian hồi phục lâu hơn, nên mẹ đừng vội vàng tập luyện giảm cân ngay. Thời gian bắt đầu tập luyện và dạng bài tập cần có sự tham khảo với bác sỹ trước. Thời gian này, mẹ chỉ cần bế con đi dạo loanh quanh hoặc đẩy xe đẩy cho con cũng quá đủ rồi.

Không gen bụng, nịt bụng sau sinh

Sau sinh tử cung sẽ co hồi lại và dần dần trở về kích thước ban đầu. Vấn đề bụng to, nhiều mỡ có thể giải quyết sau này, khi cơ thể đã hồi phục hoàn toàn và sản dịch đã ra hết. Việc gen bụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây bế tắc sản dịch, thoát vị đĩa đệm và ảnh hưởng đến vết khâu mổ.

Chăm sóc vết khâu mổ đúng cách

Khoảng 3-5 ngày trong viện, sản phụ sẽ được các bác sỹ thay băng và chăm sóc vết khâu mổ. Thường thì đến ngày ra viện, vết khâu mổ khô lại và sản phụ có thể tắm gội vệ sinh bình thường. Khi tắm xong nên lau khô vết mổ rồi mới mặc quần áo. Ngoài ra tuân theo các hướng dẫn của bác sỹ về việc chăm sóc vết mổ.

Lựa chọn tư thế ngủ phù hợp

Vì sinh mổ nên khi mẹ nằm ngửa sẽ rất đau và khó chịu. Tư thế phù hợp nhất sau sinh mổ là nằm nghiêng một bên.

Đặt bé nằm trong nôi hoặc trên chiếu nhỏ sẽ rất tiện cho mẹ. Khi bé khóc hoặc đòi bú, mẹ chỉ cần kéo nôi hoặc chiếu lại gần mình, tránh việc phải di chuyển làm ảnh hưởng đến vết mổ.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là cách hiệu quả nhất để tránh táo bón. Triệu chứng táo bón rất thường gặp sau sinh, và nó sẽ càng tồi tệ hơn đối với những mẹ đẻ mổ.

Đừng vội nghĩ đến chuyện chăn gối ngay

Nên chờ ít nhất 1 tháng sau sinh hoặc khi cảm thấy cơ thể đã hoàn toàn khỏe mạnh thì mới quan hệ tình dục. Lần đầu quan hệ sau sinh cũng cần chú ý về tư thế quan hệ và nên quan hệ nhẹ nhàng.

Lưu ý đến những dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ

Đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ như sốt cao, đau đầu, chóng mặt.

Không tự ý dùng thuốc giảm đau

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau. Trong mọi trường hợp đều phải có sự chỉ định của bác sỹ chuyên môn.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng