Có rất nhiều thắc mắc của các bố mẹ gửi về cho Bầu về cách nuôi con biếng ăn, trẻ biếng ăn nên bổ sung thực phẩm tăng cân nào, xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn ra sao. Nhưng bố mẹ lại quên mất đi bước đầu tiên là làm thế nào để xác định chắc chắn con đang biếng ăn. Đa số bố mẹ hiện tại chỉ đang căn cứ vào phản ứng khi ăn của con bằng mắt thường. Các chuyên gia dinh dưỡng quy định rất rõ ràng về các chỉ số để đánh giá trẻ có biếng ăn hay không, ba mẹ đã biết chưa?
1. Lượng ăn bao nhiêu thì đánh giá là trẻ biếng ăn?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ biếng ăn là khi ăn ít hơn 60% nhu cầu và kéo dài từ một tháng trở lên, khi trẻ có các dấu hiệu dưới đây, mẹ cần nghĩ ngay đến con bị biếng ăn:
– Trẻ ăn rất ít và chỉ ăn một số món nhất định (một số bé chỉ ăn 1 – 2 thìa thức ăn mỗi bữa, khiến cha mẹ không biết phải làm sao).
– Trẻ không chịu thử những món mới.
– Mỗi bữa ăn của bé thường kéo dài trên 30 phút, lượng thức ăn mà trẻ dung nạp mỗi bữa ít hơn 1/2 khẩu phần so với các trẻ khác ở cùng độ tuổi.
– Khi ăn, trẻ hay quấy khóc, ngậm hoặc phun thức ăn…
– Thường xuyên từ chối ăn, chạy trốn khi đến bữa ăn.
– Có triệu chứng buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn.
– Không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền.
Để sớm chấm dứt các dấu hiệu này, việc đầu tiê mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân do đâu gây ra tình trạng biếng ăn, đây là bước quan trọng để mẹ có thể tìm ra giải pháp hợp lý nhất. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em, phổ biến nhất là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. Cụ thể về hướng giải pháp ở 2 nhóm nguyên nhân này là gì?
Căn cứ vào lượng thức ăn để đánh giá trẻ biếng ăn
2. Biếng ăn sinh lý ở trẻ
– Biếng ăn sinh lý được hiểu là trạng thái xuất hiện khi có sự thay đổi sinh lý trong các giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ, phổ biến nhất là ở các giai đoạn như biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng, học nói,… Ngay cả khi khỏe mạnh, trẻ cũng có những giai đoạn ăn ít hẳn trong vài ngày hoặc vài tuần mà vẫn vui chơi bình thường.
– Ba mẹ có thể làm gì?: Đây là giai đoạn trẻ đang tập làm quen với những kỹ năng mới, mẹ hãy cho con làm quen với những món ăn lạ miệng, dễ nuốt. Nếu con không ăn được quá nhiều trong một bữa chính, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ.
– Ba mẹ không nên: Biếng ăn sinh lý là giai đoạn tất yếu trẻ nào cũng phải trải qua, mẹ đừng sốt ruột. Hãy bình tình, không ép con ăn, dẫn đến sợ hãi và con chuyển thành những dạng biếng ăn nguy hại hơn và gây ảnh hưởng tâm lý sau này. Đồng thời, cũng khoong nên chỉ biết chờ đợi khi con biếng ăn sinh lý, nếu cân nặng con đứng yên trong khoảng thời gian quá lâu, nhất định cần đến sự can thiệp của các bác sĩ nhi khoa.
Biếng ăn sinh lý là giai đoạn tất yếu trẻ nào cũng phải trải qua
3. Biếng ăn bệnh lý
Biếng ăn bệnh lý là một trong những dạng biếng ăn khiến ba mẹ phải lo lắng
– Biếng ăn bệnh lý liên quan đến những dấu hiệu bệnh lý sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con sau này nếu không được phát hiện sớm:
+ Trẻ gặp khó khăn khi nhai và nuốt: liên quan đến các bệnh lý về họng, amidan, mọc răng, nấm lưỡi, …
+ Rối loạn tiêu hóa
+ Nhiễm trùng
– Ba mẹ nên làm gì?:
+ Thiết lập khẩu phần ăn cho bé cần cân bằng 4 nhóm chất: đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
+ Vì đây là giai đoạn cần tăng sức đề kháng cho con nên ba mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các khoáng chất như magie, kẽm cho trẻ.
– Ba mẹ không nên: Nhắc đến biếng ăn bệnh lý chắc hẳn nhiều ba mẹ rất sốt sắng dùng đến sự can thiệp của kháng sinh. Nhưng điều này là sai lầm, gây mất cân bằng vi sinh trong hệ tiêu hóa của trẻ.
Như vậy, nhắc đến biếng ăn còn cần căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu để xác định con thuộc dạng biếng ăn nào nhằm tìm ra giải pháp. Hy vọng ba mẹ hãy chú ý đến các tiêu chí đánh giá trẻ biếng ăn, đây là bước đầu tiên để giúp con yêu khôn lớn khỏe mạnh đấy ba mẹ nhé.
Hà An
Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/can-cu-tieu-chi-nao-de-danh-gia-tre-bieng-an-hay-khong-a175199.html
Nguồn : bau.vn