Cảnh báo những tác hại khi trẻ ngủ không ngon, không đủ giấc

Các chuyên gia cho biết, trẻ ngủ không ngon giấc, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, quá trình học tập, sinh hoạt...

Trẻ ngủ không ngon giấc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe về sau. Dưới đây là hậu quả của tình trạng này, cha mẹ cần tham khảo để có phương pháp can thiệp kịp thời.

5 hậu quả của việc trẻ ngủ không ngon giấc

1. Gây béo phì và tăng cân

Tác hại của mất ngủ, ngủ không ngon còn ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng của trẻ. Bằng chứng là một nghiên cứu diễn ra trong 3 năm trên 20.000 đối tượng ở Hoa Kỳ cho thấy, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ cao bị tăng cân và béo phì. Lý do vì các hormone đảm nhiệm vai trò kiểm soát khẩu vị và phân hủy glucose bị thay đổi do thiếu ngủ.

2. Trẻ ngủ không ngon giấc dễ thay đổi cảm xúc

Nghiên cứu tại Đại học California, Hoa Kỳ, cho biết, tình trạng ngủ không ngon có thể khiến việc kiểm soát lẫn biểu lộ cảm xúc của trẻ trở nên khó khăn. Do vậy, bố mẹ sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh trẻ khóc, cười, cáu bẳn, lo âu… Đôi khi, trẻ không ngủ đủ giấc còn có xu hướng trầm cảm, giận dữ, nhất là với các bé gái. Nếu bất chợt phụ huynh nhận được thông báo con mình có hành vi bạo lực, hay bắt nạt bạn bè tại trường thì hãy xem xét đến vấn đề giấc ngủ của con nhé!

3. Trí nhớ giảm sút

Đây có lẽ là tác hại dễ nhận thấy của tình trạng ngủ không được sâu giấc, ngủ chập chờn, thiếu ngủ không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn chúng ta nữa. Cụ thể, khiến trẻ khó suy nghĩ mạch lạc do luồng thông tin về ký ức bị hạn chế di chuyển về phía vỏ não trước trán, gây tình trạng mau quên.

Ngoài ra, trong một thử nghiệm trên những đối tượng trẻ gặp tình trạng này thời gian dài, tốc độ phản ứng của các bé giảm đến 50% và điều này thậm chí còn tệ hơn nếu chúng có sử dụng thức uống có chất kích thích trước đó. Hệ quả là trẻ học kém đột ngột.

4. Trẻ ngủ không ngon giấc dễ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý

Thực tế, ngày càng nhiều trẻ em hiện nay được chẩn đoán là mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Theo đó, trẻ mắc bệnh lý này thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sự tập trung, thường xuyên quên nhiệm vụ, dễ bị phân tâm, khó chịu khi phải ngồi yên một chỗ. Điều đáng quan tâm là trẻ mắc ADHD thường có chất lượng giấc ngủ kém, bị thiếu ngủ hoặc luôn có cảm giác buồn ngủ vào buổi sáng. Những vấn đề trên đều để lại hậu quả nặng nề đối với việc học hành và các mối quan hệ trong xã hội của trẻ.

5. Có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Có mối liên hệ nhất định giữa bệnh đái tháo đường tuýp 2 với tình trạng thiếu ngủ. Các nhà khoa học cho biết, những người ngủ ít hơn vào ban đêm khả năng xử lý đường huyết kém và dễ có nguy cơ phát sinh bệnh.

Mặt khác, trẻ ngủ ít hơn 7 giờ mỗi ngày khả năng bị cảm lạnh cũng cao hơn bình thường. Bởi lẽ, giấc ngủ ngon giúp cải thiện chức năng của tế bào T, loại tế bào miễn dịch này đảm nhiệm vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn từ môi trường ngoài.

Trẻ ngủ không ngon giấc thường gây ra những mối nguy hại cho cơ thể, sức khỏe. Do đó, cha mẹ cần chú ý hơn đến chất lượng giấc ngủ của con trẻ để điều chỉnh cho phù hợp.

Nguồn : bau.vn