Cảnh báo sản phụ nên cẩn thận với tiền sản giật sau sinh

Sau khi con yêu ra đời, cơ thể người mẹ vẫn có thể gặp phải những vấn đề nguy hiểm, chẳng hạn như chứng tiền sản giật sau sinh. Đây là tình trạng khá nghiêm trọng nhưng chưa được chú ý đến.

Tình trạng tiền sản giật sau sinh có thể dẫn đến co giật và các biến chứng khác ở sản phụ.

Tiền sản giật sau sinh là gì?

Tiền sản giật sau sinh (tiền sản giật hậu sản) là tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra trong vòng từ 48 đến 72 giờ sau khi em bé ra đời. Tình trạng này bắt đầu với dấu hiệu huyết áp sản phụ cao đột ngột và phát hiện lượng protein dư thừa trong nước tiểu. Khởi phát tiền sản giật sau sinh có thể xảy ra sau 48 giờ đến khoảng một tháng sau sinh trong một số trường hợp, thường được gọi là tiền sản giật muộn.

Nếu bị tiền sản giật hậu sản, bạn cần ở lại bệnh viện lâu hơn cho đến khi huyết áp được kiểm soát. Trong trường hợp tình trạng tăng huyết áp vẫn tiếp diễn, bạn sẽ phải uống thuốc để kiểm soát các nguy cơ tim mạch.

Nguyên nhân đẫn dến tiền sản giật hậu sản

Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật hậu sản vẫn chưa xác định được. Chứng bệnh này có thể bắt đầu phát triển trong cơ thể người mẹ trước khi sinh nhưng chỉ bộc lộ sau khi con yêu ra đời.

Nếu thành viên trong gia đình đã có tiền sử bị tiền sản giật thì bạn cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng khiến bạn dễ mắc phải chứng bệnh này.

Bạn sẽ có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật sau sinh nếu:

  • Huyết áp cao sau 20 tuần mang thai
  • Mang thai trước 20 tuổi hoặc sau 40
  • Có người thân bị tiền sản giật
  • Bị béo phì và tăng cân trong thai kỳ
  • Mang song thai hoặc đa thai

Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật sau sinh

Rất khó để phát hiện tiền sản giật hậu sản. Thông thường, các bà mẹ không hề thấy bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian mang thai. Sau khi sinh xong, việc mải mê chăm sóc bé cũng khiến bạn bỏ qua các triệu chứng tiền sản giật. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp:

  • Huyết áp của sản phụ tăng cao từ 140/90 trở lên
  • Lượng protein dư thừa trong nước tiểu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Sản phụ cảm thấy đau đầu dữ dội
  • Đột nhiên đau bụng râm ran đến dữ dội, đặc biệt dưới xương sườn bên phải
  • Lượng nước tiểu rất ít
  • Tăng cân một cách đột ngột ( khoảng 1kg trở lên trong một tuần)
  • Cảm thấy khó thở đột ngột
  • Mặt và tay chân có thể sưng lên
  • Thị lực có thể tạm thời mất hoặc mờ mắt. Mắt có thể trở nên quá mẫn cảm với ánh sáng

Cảnh báo độ nguy hiểm của tiền sản giật hậu sản

1. Sản giật sau sinh

Sản giật muộn cũng có các triệu chứng tương tự như tiền sản giật và cả 2 đều dẫn đến động kinh. Chúng có thể hủy hoại vĩnh viễn các cơ quan quan trọng như não, thận và gan. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới hôn mê và thậm chí tử vong;

2. Huyết khối

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là sự kết hợp của 2 triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Tình trạng thường khiến các bà mẹ khó thở, đau ngực, ho, lo lắng và sốt. Các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong;

3. Đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi não bộ ngưng được cung cấp máu dẫn đến việc rối loạn chức năng của các cơ quan khác;

4. Phù phổi

Phù phổi là một tình trạng rất nghiêm trọng về hệ hô hấp. Nguyên nhân của vấn đề này là do chất lỏng tích tụ trong phổi. Các triệu chứng của biến chứng này gồm khó thở, ho ra máu, lo lắng và đổ mồ hôi nhiều;

5. Hội chứng HELLP là biến chứng của tiền sản giật sau sinh

Hội chứng HELLP ( thiếu máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu) là một biến thể của tiền sản giật. Nó gây viêm gan và xuất huyết.

Phòng ngừa tiền sản giật sau sinh

1. Duy trì cân nặng cơ thể

Hãy chú ý đến cân nặng trước khi mang thai của bản thân. Sau đó, bạn nên duy trì cân nặng trong mức cho phép bằng cách ăn uống đúng cách và tập thể dục. Tình trạng béo phì hoặc thừa cân trong thời gian mang thai có thể khiến bạn gặp nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm chứng tiền sản giật.

2. Ăn uống lành mạnh

Hãy bổ sung thêm vitamin, khoáng chất và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống hằng ngày. Điều này sẽ giúp bạn duy trì huyết áp ổn định trong suốt thai kỳ. Lưu ý là mẹ bầu nên tránh xa các đồ ăn vặt được chế biến sẵn.

Để thỏa mãn cơn đói, bạn có thể nhấm nháp hạt quả óc chó, hạt hướng dương, hạt sen, hạt điều… nói chung là các loại hạt dành cho bà bầu để mẹ khỏe con khỏe.

3. Bổ sung nước đầy đủ

Mẹ bầu nên uống nhiều chất lỏng đặc biệt là nước và sữa. Tuy nhiên, bạn cần tránh uống nước trái cây có chứa đường, đồng thời hạn chế đồ uống có cồn và caffeine.

Sau khi sinh là một là giai đoạn cực kỳ căng thẳng và mệt mỏi, nhất là khi bạn mắc chứng tiền sản giật. Hãy mạnh mẽ tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhờ các thành viên trong gia đình ở bên cạnh để chăm sóc nhà cửa trong khi bạn tập trung cho con bú và chăm sóc bản thân.

Nguồn : bau.vn