Cha mẹ đối phó như thế nào với trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2?

Khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ khiến nhiều bậc phụ huynh ngao ngán và căng thẳng. Bởi lúc này trẻ trở nên bướng bỉnh, khó hiểu và không nghe lời ai.

Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn khó khăn với con nhưng cũng vô cùng vất vả của bố mẹ. Bau.vn sẽ chỉ bạn cách đồng hành cùng con và “chế ngự” sự bướng bỉnh của bé.

Tâm lý khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?

Đây là giai đoạn thay đổi các hành vi ứng xử cảu bé. Đặc biệt, có sự thay đổi rõ rệt về thể hiện cảm xúc, thường có xu hướng thể hiện bản thân, độc lập, bướng bỉnh thích làm theo ý mình…

Tình trạng này là bình thường, phù hợp với sự phát triển của trẻ nên bạn không cần quá lo lắng khi thấy con thay đổi. Thậm chí, có nhiều bé thay đổi theo xu hướng “bạo lực”, đấm đá, cào cấu khi không bằng lòng hoặc bỏ qua các nguyên tắc bố mẹ đã đặt ra.

Nguyên nhân của giai đoạn khủng hoảng này chính là giai đoạn từ 0-3 tuổi, trẻ thay đổi và tăng trưởng về mặt cảm xúc, muốn được quan tâm, tôn trọng và thấu hiểu. Giai đoạn này con cũng có nhu cầu thể hiện bản thân qua ngôn ngữ, nhưng vốn từ hạn hẹp nên con khó diễn tả được. Vì thế, càng gây sự ức chế cũng như khủng hoảng tinh thần cho trẻ.

Cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2?

Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn khó khăn đối với trẻ, cần được ba mẹ cạnh bên và đồng hành cùng. Chính vì thế, hãy là người bạn của con lúc này nhé.

1. Bố mẹ nên thấu hiểu và đồng cảm với trẻ

Trẻ con cũng có lúc cần được ba mẹ hiểu và đồng cảm. Nhất là khi bé không thể kiểm soát cảm xúc của mình mà ăn vạ, mè nhèo. Nhiều cha mẹ khi thấy con như thế lập tức quát tháo hay dùng đòn roi để phạt bé. Thế nhưng, những điều đó chỉ càng làm con khó chịu và bướng bỉnh, khó bảo và xu hướng bạo lực. Lâu dần, tính cách này ảnh hưởng đến người khác và gây nên các hậu quả khôn lường.

Thay vì quát tháo con, cha mẹ nên bình tĩnh quan sát hành động, lời nói, thái độ để hiểu con đang gặp vấn đề gì, tại sao lại cư xử như vậy. Hãy có những lời gợi mở như: “Con đang khó chịu trong người phải không?”, “Con bị ngã nên đau đúng không”… Điều này không chỉ giúp bé thấy an toàn mà còn tin tưởng cha mẹ nhiều hơn.

2. Tạo điều kiện cho con tự lập

Thay vì cấm con không được làm cái này, không được làm thế kia… điều này càng làm khủng hoảng tuổi lên 2 của con dữ dội hơn. Giai đoạn này, bé chưa thể nhận thức hết được hậu quả nên chỉ muốn làm theo ý của mình. Thay vì đặt bé vào khuôn khổ, mẹ hãy để trẻ tự do lựa chọn trong khuôn khổ, đưa ra 1 số lựa chọn trong tầm kiểm soát và phù hợp.

 

Đồng thời, giai đoạn 2 tuổi bố mẹ nên tạo điều kiện để con tự lập các việc như tự lấy bát của con, tự lấy cốc, tự rửa tay… Điều đó sẽ làm con cảm thấy bản thân là người có ích và phải có trách nhiệm với chính mình.

3. Thường xuyên trò chuyện với trẻ khi khủng hoảng tuổi lên 2

Lúc này, đôi khi chính bé cũng thấy bản thân khó hiểu. Vì vậy, cha mẹ cần dành thời gian để tâm sự, chia sẻ với con nhiều hơn để thấu hiểu. Đòn roi và sự nóng nảy không phải là phương pháp dạy con hay, chỉ khiến chúng phẫn nộ và xa cách hơn thôi. Hãy cố gắng trở thành người bạn để con có thể tâm sự và sẻ chia, lúc ấy bạn chính là chỗ dựa an toàn của con.

Khủng hoảng tuổi lên 2 khiến cha mẹ chán nản, nhưng đó là sự phát triển tâm lý bình thường. Do đó, cha mẹ hãy bình tĩnh đồng hành cùng con nhé!

 

 

Nguồn : bau.vn