Chăm sóc vú

Để phòng các bệnh về vú, các bà Bầu cần quan tâm chăm sóc hai đầu “nhũ hoa” của mình ngay từ khi mang thai và trong thời gian cho bé bú.

Khi mang thai
Hai bầu vú là cơ quan có sự thay đổi sớm nhất khi bạn mang thai. Đầu tiên, vú sẽ căng lên khiến bạn có cảm giác tưng tức. Càng về sau, bầu vú và núm vú càng nở to. Núm vú căng lên và có màu sẫm lại.
Khi vú nở to, trên đầu vú bắt đầu xuất hiện những rãnh sâu, rất dễ bắt bẩn. Đặc biệt, khi bạn bước vào những tháng cuối của thai kỳ, đầu vú bắt đầu tiết sữa non. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, bạn rất dễ bị viêm đầu vú, ảnh hưởng đến việc tiết sữa sau này.
Để đầu vú được sạch sẽ, bạn cần tắm rửa hàng ngày và chú ý rửa đầu vú khi tắm. Dùng vòi hoa sen xả nhẹ, lấy ngón tay chà nhẹ nhàng lên đầu vú để lớp biểu bì chết và chất tiết đóng cặn bong ra. Không nên dùng móng tay để cạy chất tiết đóng cặn ở đầu vú khiến đầu vú bị nhiễm trùng, sưng, đau.
Sau khi tắm, bạn nên dùng một khăn bông mềm thấm khô đầu vú. Thường xuyên tắm và thay áo ngực mỗi ngày để núm vú được sạch sẽ.
Lưu ý: Sau khi quan hệ tình dục bạn cũng cần vệ sinh núm vú để tránh nước bọt ứ đọng gây viêm núm vú.

Sau khi sinh
Việc giữ vệ sinh hai bầu vú và núm vú rất quan trọng. Bạn nên rửa sạch vú và đầu vú mỗi ngày. Hãy lau khô nhẹ nhàng sau khi cho bé bú. Nên mặc áo lót vì hai bầu vú cần được nâng đỡ thường xuyên. Bạn nên chú ý đề phòng các bệnh sau:

* Tắc tuyến sữa:   
Là hiện tượng sữa bị ứ lại trong tuyến vú do trẻ không bú hết, gây cương tức vú, đau, vú mẹ lổn nhổn, không tròn đều sau mỗi cữ bú. Có thể mẹ sẽ bị sốt.
Cách phòng bệnh:
– Cho trẻ bú ngay trong vòng 60 phút sau sinh.
– Không cho trẻ bú bình hay uống bất kể loại nước gì trước mỗi cữ bú mẹ.
– Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi bú (khoảng 8 – 10 lần/ngày), kể cả ban đêm.
– Bế trẻ đúng tư thế khi cho bú sao cho bé ngậm hết quầng vú và phải cho bé bú hết 1 bầu vú rồi mới chuyển sang bầu vú kia.
Cách chữa trị:
– Đắp khăn tẩm nước ấm và massage vú nhẹ nhàng trước mỗi cữ bú.
– Có thể dùng cơm nếp nóng bọc trong khăn xô (hay vải mỏng), massage vú nhẹ nhàng. Rất hiệu nghiệm.
– Mẹ cởi trần, ngồi cho bầu vú thẳng xuống, đồng thời có người massage nhẹ nhàng 2 bên cột sống người mẹ. Làm ngày 3 lần.
– Trước khi cho bé bú, vắt bớt sữa cho quầng vú mềm và núm vú dễ đàn hồi cho trẻ dễ ngậm vú.
– Cho bú nhiều lần hơn trước.

* Áp-xe vú:   
Là tình trạng vú bị nhiễm trùng tạo ổ mủ, gây sốt cao, vú sưng và bùng nhùng vì có mủ. Nguyên nhân chính là do tắc tuyến sữa mà không được chữa trị ngay.
Cách phòng bệnh:
Muốn phòng bệnh áp-xe vú, nhất thiết bạn phải phòng tắc tuyến sữa.
Cách chữa trị:
Khi bị áp-xe vú, bạn cần làm những việc sau để tránh bị mất sữa:
– Tiếp tục cho trẻ bú cả 2 bên.
– Nếu không cho trẻ bú thì mẹ phải vắt sữa bằng tay hoặc bằng bơm để không gây tắc các tuyến sữa còn lại và tránh vi khuẩn lây từ ổ áp-xe sang tuyến vú còn lành.
– Đắp nước ấm và massage vú nhẹ nhàng.
– Đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng kháng sinh và được rạch dẫn lưu mủ.
– Mẹ phải cho bé bú hơn 10 lần/ngày và cho bú từ 20 – 30 phút/ lần.    

* Núm vú bị đau, nứt:
Do khi bú, bé không ngậm hết quầng vú, bé sẽ day day đầu vú mẹ khiến đầu vú bị đau và trầy xước, lâu ngày thành viêm và nứt nẻ.    
Cách phòng bệnh:
– Bế con đúng tư thế khi cho bú.
– Khi tắm, không dùng xà phòng lau vú vì như thế sẽ làm mất lớp nhờn chống xước tự nhiên.
– Hãy để bé tự nhả đầu vú khi no. Nếu vì một lý do nào đó khiến bạn phải ngưng bữa bú của bé thì hãy dùng tay ấn nhẹ vào hàm dưới của bé để bé há miệng và từ từ đưa bé ra.
Cách chữa trị:
– Cho bé bú đúng tư thế.
– Lấy 2 giọt sữa cuối (sữa đục sau mỗi bữa bú) bôi lên đầu vú bị nứt.
– Kiểm tra xem trẻ có bị nấm miệng không.
– Vắt sữa nếu không cho trẻ bú trực tiếp được.

Hà Anh (Theo Babyzone)

Nguồn : bau.vn