Thực ra cholesterol là một loại chất béo có trong máu và trong các tế bào của cơ thể. Cũng như các chất khác, cholesterol là một thành chất quan trọng được cơ thể sử dụng để tạo nên màng tế bào, một số nội tiết tố (hormone), muối mật, và phục vụ cho các chức năng khác của cơ thể do đó cơ thể của chúng ta cần có sự hiện diện của cholesterol.
Cholesterol được tạo ra từ hai nguồn: 1. Từ nội sinh (Gan và các tế bào khác của cơ thể tạo nên khoảng 75% cholesterol máu và 2. từ thức ăn mà bạn ăn vào (25%) được cơ thể hấp thu qua thức ăn như trứng, sữa, óc, thịt…. Một điều lần lưu ý là cholesterol được chia làm 2 loại bao gồm HDL (cholesterol có tỉ trọng cao, là loại cholesterol tốt bảo vệ cơ thể chống lại bệnh xơ vữa động mạch) và LDL (cholesterol có tỉ trọng thấp, là loại cholesterol xấu gây bệnh cho cơ thể, làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch).
2. Tăng cholesterol máu
Đây là một thuật ngữ y học dùng để chỉ nồng độ của cholesterol máu ở mức cao. Thường thì tăng cholesterol không gây ra triệu chứng nên cách duy nhất để phát hiện tình trạng này là xét nghiệm máu. Tuy nhiên nếu kết quả xét nghiệm nồng độ cholesterol trong máu > 200mg/dl thì cũng không nên quá lo lắng, vì việc tiếp theo là cần làm tiếp một xét nghiệm khác để đo thành phần cholesterol.
Nếu thành phần HDL cao còn LDL bình thường thì bạn đang có cholesterol tốt không cần phải quá lo lắng, ngược lại nếu LDL cao chứng tỏ cơ thể bạn có nhiều cholesterol xấu, điều đầu tiên bạn cần làm trước khi dùng thuốc là thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
3. Thai kỳ và mức cholesterol
Các nghiên cứu chứng minh rằng với một thai kỳ bình thường cũng có thể làm mức cholesterol sẽ tăng cao hơn trong máu (gồm cả HDL và LDL). Nguyên nhân là trong quá trình mang thai, các hormon sẽ kích thích gan tăng mức sản xuất cholesterol, như phần trên đã đề cập đến vai trò của cholesterol, những tác dụng như kích thích màng tế bào, nội tiết tố…. là rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của thai nhi. Do đó nếu xét nghiệm cholesterol trong máu của thai phụ cao hơn một chút so với bình thường thì cũng không nên lo lắng, tuy nhiên nếu mức tăng này quá cao thì bác sĩ sẽ tư vấn việc thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, cách sinh hoạt hàng ngày hoặc sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết.
4. Một số phương pháp giúp hạn chế cholesterol xấu
Nếu mức cholesterol trong máu tăng mà xét nghiệm cho biết thành phần cholesterol xấu cao thì một số phương pháp sau sẽ giúp cân bằng và hạn chế lại thành phần cholesterol xấu này:
– Hãy tập thể dục, gia tăng các hoạt động như đi xe đạp, đi bộ (nên tận dụng mọi cơ hội đi bộ),
– Tránh ăn uống liên tục các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, thịt có màu đỏ, lòng heo, lòng bò, óc, trứng…
– Hạn chế bia, rượu
– Không hút thuốc lá
Riêng việc dùng thuốc hạ cholesterol đối với thai phụ cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn