Con cái gào khóc thắc mắc khi bố mẹ đi làm – học ngay Hòa Minzy cách xử trí cực khéo

Mới đây Hòa Minzy đã đăng tải đoạn clip bé Bo khóc lóc năn nỉ không cho nữ ca sĩ đi làm, thế nhưng cô đã có cách xử trí cực thông minh và khéo léo.

Ở độ tuổi 2-3, các bé có xu hướng rất quấn mẹ. Các con luôn muốn mẹ phải ở bên cạnh cả ngày. Chỉ cần mẹ rời khỏi con khoảng vài giây là các bé sẽ thấy nhớ ngay. Đây là một cảm giác hoàn toàn bình thường, cho thấy trẻ cần sự an toàn và tình yêu của mẹ. Tuy nhiên, việc này cũng khiến nhiều bà mẹ vô cùng đau đầu. Bởi cứ tới giờ đi làm là các con lại mè nheo, buồn bã nhất quyết không cho mẹ đi. Người lớn đi làm, trẻ con đi học… Đó là quy luật muôn thuở từ xưa tới nay. Thế nhưng, với sự non nớt của một đứa trẻ, nếu không giải thích thì chúng vẫn chưa thể hiểu được tất cả. Hòa Minzy đã có một cách xử lý khéo léo trong tình huống này.

Học Hòa Minzy cách xử trí cực khéo khi con không muốn xa mẹ

Hoà Minzy cũng vừa rơi vào trường hợp tương tự. Bà mẹ 1 con cho biết sáng nào trước khi đi làm, cậu bé Bo cũng năn nỉ mẹ ở nhà. Bằng giọng đáng yêu xen lẫn buồn bã, Bo nói: ”Mẹ ơi mẹ ở nhà chơi với con đi. Con không cho mẹ đi làm đâu”. Trước sự kiên trì của con trai, Hoà Minzy giải thích: ”Mẹ phải đi làm, kiếm tiền mua sữa cho Bo. Nuôi bà ngoại nữa, tối nay mẹ về, mẹ hứa, ngoắc tay nhé”.

Thế nhưng có vẻ như Bo vẫn chưa muốn xa mẹ. Thấy con trai buồn, Hoà Minzy tiếp tục động viên con rồi khuyến khích con chơi đồ chơi mới để mẹ đi làm. Nhiều bố mẹ có xu hướng tỏ ra cáu gắt, quát mắng, thậm chí khó chịu khi con cứ không muốn mình đi làm, thế nhưng Hoà Minzy có cách xử lý nhẹ nhàng. Cô luôn nói lời yêu thương với con khiến câu chuyện muôn thuở vào buổi sáng trở nên bớt nặng nề.

Đừng để con nghĩ bản thân là gánh nặng của cha mẹ

Với nhiều bố mẹ quát mắng, nói nặng lời với con như: ”Ngày nào cũng nhõng nhẽo, mè nheo. Đi làm còn kiếm tiền, còn bao nhiêu việc. Đâu phải cứ ở nhà mãi được như thế”. Hay ”Không biết mẹ khổ lắm à mà còn lải nhải thế. Bận trăm công nghìn việc. Ở nhà thì bị nói là ăn bám. Đi làm thì con cái cứ mè nheo đến khổ”… Rồi rời khỏi nhà trong sự bực bội.

Một đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, tại sao mẹ bỏ con để đi làm?”. Người mẹ trả lời: “Mẹ cần kiếm tiền, không có tiền thì lấy gì mà ăn. Đồ ăn, đồ chơi của con chắc từ trên trời rơi xuống chắc”. Đứa trẻ nghe xong chỉ lặng lẽ cúi đầu: “Hóa ra con gây ra sự mệt mỏi cho mẹ”. Cũng với câu hỏi này, một bà mẹ khác đáp: “Mẹ đi làm để học kiến thức mới, để kết bạn và tìm niềm vui. Giống như con là học sinh, con phải học tập chăm chỉ và hòa đồng với bạn bè”. Đứa trẻ nghe xong lại mỉm cười nói “Vâng, con hiểu rồi”.

Mỗi khi nói những lời khó chịu, hãy nghĩ xem con bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nghe câu trả lời “phũ phàng” như người mẹ đầu tiên. Trong tâm trí trẻ, chúng chỉ mong muốn cha mẹ ở bên mình nhiều hơn. Bởi vậy khi người lớn đi làm, trẻ không được gặp thường xuyên, trong lòng sẽ cảm thấy bất an. Những gì trẻ nhìn thấy là cha mẹ chỉ quan tâm tới công việc mà nhiều khi quên mất sự có mặt của chúng.

Hãy khôn khéo khi trả lời những câu hỏi của con

Trẻ con như một trang giấy trắng, góc nhìn của chúng khác hoàn toàn so với người lớn chúng ta. Bố mẹ nên tìm cách nói khéo léo và tinh tế hơn với con của mình, để bé có thể hiểu ra vấn đề về lý do của việc bố mẹ đi làm còn các con phải đi học. Ngoài những câu nói của Hòa Minzy, cha mẹ có thể tham khảo một số câu trả lời như sau:

Mẹ đi làm để học kiến thức mới, để kết bạn và tìm niềm vui. Giống như con là học sinh, con học tập chăm chỉ và khám phá rất nhiều điều hay lẽ phải ở trường lớp. Ở đó, con sẽ có thêm bạn bè, những người mà con yêu mến.

– Sau khi bố mẹ đi làm và con đi học, cuối ngày chúng ta sẽ thêm trân trọng khoảng thời gian ở bên nhau. Hơn nữa, thứ 7 và chủ nhật chúng ta sẽ dành thật nhiều thời gian ý nghĩa bên nhau. Và vì cuộc sống còn rất nhiều điều thú vị cần khám phá mà bố mẹ không thể cho con, thay vào đó cô giáo và bạn bè sẽ làm điều đó.

Hơn nữa, với mỗi câu hỏi của con, dù mẹ có biết câu trả lời hay không thì đều nên đáp lại bằng nụ cười và sự nhẹ nhàng. Những câu như ”hỏi gì hỏi lắm thế”, hay ”có thế mà cũng phải hỏi” sẽ chỉ làm con cảm thấy tổn thương. Dần dần không muốn hỏi mẹ nữa. Nhìn chung cách Hòa Minzy xử lý rất tinh tế và xứng đáng để các bậc phụ huynh học hỏi.

 

Nguồn : bau.vn