Hành trình hồi hương của gia đình anh Giàng Đỗ Chai ( 33 tuổi, dân tộc Mông ở Bảo Thắng, Lào Cai) tin rằng cứ đi theo con đường lớn ấy sẽ về nhà. Gia đình anh chuyển vào Lâm Đồng để mưu sinh từ hồi tháng 4. Anh Chai và chị Gió (vợ) nhổ rau, trồng hành thuê trên khắp các cánh đồng ở xã Hiệp Thạnh. Nếu không có dịch bệnh, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vào miền Nam sinh sống và mưu sinh.
Mỗi ngày 2 vợ chồng làm được 400.000 đồng, ngày nào không ra ruộng thì không có tiền. 3 đứa con, đứa nhỏ nhất 8 tháng tuổi, đứa lớn nhất 4 tuổi. Để có thời gian đi làm, anh chị đành gửi nhà trẻ mỗi tháng hết 3,5 triệu đồng, chưa tính ăn uống, tiền nhà trọ… Ấy thế mà dành dụm, anh chị cũng gửi được về quê ít tiền cho người cha đau yếu, hay phải đi viện.
Tuy nhiên, từ tháng 6 tới nay, dịch bệnh bùng phát lại, công việc của vợ chồng anh phải tạm ngưng. Anh Chai và vợ quyết định về quê. Vét sạch nồi cơm và đĩa rau luộc, treo túi quần áo lên xe, nhà 5 người lên đường hồi hương.
Chị Gió quấn đứa út 8 tháng tuổi trong cái chăn mỏng ôm trên tay. Đứa thứ hai ngồi giữa, con gái lớn nhất 4 tuổi ngồi phía sau ôm cứng lấy lưng bố. Gió không biết đi xe máy, nên Chai là người cầm lái suốt chặng đường. Trước hôm về, anh đã mang xe đi thay dầu, kiểm tra nhông xích, đổ đầy bình xăng.
Anh Chai không thạo đường Tây Nguyên như vùng Tây Bắc. Anh đi theo các biển chỉ dẫn màu xanh ven quốc lộ. “Cứ chạy theo đường thẳng to to, theo các đoàn xe, chỉ có một đường ấy, thế nào cũng về được nhà”, anh Chai kể.
Cũng như hàng trăm cuộc hồi hương vào tháng 7, họ nghỉ ven đường, ăn tạm nắm cơm nguội và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Những đứa trẻ kiên cường cùng bố mẹ vượt qua gió sương, nắng mưa. Đằng sau là 3 con nhỏ, người vợ yêu dấu, trên đầu là nắng gắt, Chai ghì tay lái nặng trĩu.
Qua các chốt kiểm dịch đều phải khai báo Y tế và chấp hành đầy đủ quy định phòng chống dịch an toàn.
Nghe tin Hà Nội cách ly xã hội, cả gia đình không thể theo lộ trình bình thường để về Lào Cai được nữa. Nếu theo lộ trình này, Chai đi khoảng 450 km nữa để về đến quê nhà. Anh lần đường, vòng qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để về Lào Cai, khoảng 680 km.
Họ về tới Sa Pa hôm 30/7. Chốt chặn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, dặn về Trạm y tế xã Phong Hải khai báo rồi đi cách ly. Cả gia đình sau đó được đưa tới khu cách ly của huyện Bảo Thắng. Từ nơi cách ly tập trung, Chai cho biết “được chăm sóc, ăn uống đầy đủ, mấy đứa trẻ con chơi vui lắm”.
Đồng hồ công tơ mét trên chiếc xe máy đã hỏng, Giàng Đỗ Chai không biết mình đã đi bao nhiêu cây số trong 7 ngày. Nhưng ứng dụng bản đồ ước tính, họ đã đi một quãng đường khoảng 2.000 cây số.
Nguồn : bau.vn