Dạo một vòng tìm hiểu nét riêng của Tết Đoan Ngọ 3 miền Bắc-Trung-Nam

Tết Đoan Ngọ là ngày tết quan trọng của người Việt Nam. Cùng tìm hiểu xem Tết Đoan Ngọ 3 miền có nét văn hoá khác nhau như thế nào nhé!

Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 mang đậm dấu ấn truyền thống phong phục tập quán của Việt Nam. Hơn nữa còn ghi dấu ấn riêng của các vùng miền. Cùng bau.vn tìm hiểu xem Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc – Trung – Nam có gì khác nhau không nhé!

Mâm cúng Tết Đoan ngọ ở 3 miền

Vào Tết Đoan Ngọ 5/5, các gia đình thường chuẩn bị mâm đồ nguội để cúng bái tổ tiên rồi sẽ ăn để bảo vệ sức khỏe. Theo truyền thống, Tết Đoan Ngọ của mỗi vùng miền đều có những điểm khác nhau. Tùy theo điều kiện mà gia chủ có thể thực hiện những mâm cúng gia tiên, ngoài trời hoặc đơn giản là dâng hương hoa và trái cây.

Những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ  3 miền là rượu nếp và trái cây.

  • Cơm rượu nếp: Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh trong cơ thể.
  • Trái cây: Chủ yếu là các loại quả mùa hè có tính nóng, tươi ngon và có vị chua, ngọt như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… Đặc biệt, ở miền Bắc 2 loại quả phổ biết nhất là mận, vải.

Tết Đoan Ngọ và sự khác biệt giữa nét văn hoá 3 miền

1. Nét văn hoá truyền thống ở miền Bắc

Bánh gio chấm mật

Dù xuất hiện ở cả ba miền, bánh gio (tro) ở miền Bắc đặc biệt hơn khi được chấm cùng mật mía ngọt ngào. Bánh được làm bằng cách ngâm nếp trong nước tro đốt từ rơm, sau đó gói, luộc.

Những chiếc bánh có màu nâu vàng trong suốt, vị bánh có chút ngai ngái và vương mùi tro đặc trưng. Bánh chấm cùng mật mía, khi cho vào miệng sẽ cảm nhận sự ngọt ngào thanh mát, rất phù hợp cho ngày nắng nóng.

Bánh khúc người Nùng-Tết Đoan Ngọ ở 3 miền

Là loại bánh đặc sản của người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai, bánh khúc đã dần phổ biến rộng khắp miền Bắc bởi hương vị thơm ngon và màu sắc đẹp mắt của chúng.

Nếp được lựa chọn thật kỹ, giã cùng lá khúc cho đến khi nhuyễn mịn rồi vo tròn. Lớp nếp xanh bên ngoài sẽ bọc lấy nhân đậu xanh giã, hành phi, mè đen hoà quyện với nhau bên trong. Bánh có thể được hấp hoặc chiên tùy theo khẩu vị từng gia đình.

Dù là kiểu chế biến nào, bánh khúc đều giữ được vị thơm ngon, béo bùi và màu xanh sẫm mướt mắt khiến ai nhìn thấy cũng đều muốn ăn.

Ngoài ra, ở một số vùng phía Bắc còn có tục nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ em, tục treo ngải cứu để trừ tà, tục khảo cây lấy quả… Đối với những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quệt vào thóp, ngực, rốn với mong muốn chúng sẽ không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này hiện nay đều bị bãi bỏ, trừ tục đi hái lá thuốc và tắm nước lá ở một số nơi.

2. Nét văn hoá truyền thống ở miền Trung

Người dân miền Trung coi Tết Đoan Ngọ là ngày sum họp gia đình và thường bày biện những món ăn ngon, linh đình. Giải thích về điều này, miền Trung là nơi có thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa bão. Vì vậy, vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm, các gia đình thường bày biện mâm cúng để mong cầu sự bình yên, mùa màng bội thu.

Thịt vịt

Trên mâm cơm cúng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế thì không thể thiếu thịt vịt. Đây là dịp tiết trời dần oi bức và nóng nực, thịt vịt có tính hàn sẽ giúp cơ thể cân bằng lại. Đầu tháng 5 âm lịch cũng là lúc  những chú vịt béo ú, thịt ngon mềm và không bị hôi. Cách chế biến đa dạng như cháo vịt, vịt quay, vịt nướng…

Tết Đoan Ngọ 3 miền: Chè kê

Bên cạnh đó, ở Huế, chè kê cũng là một món ăn phổ biến trong dịp Tết Đoan Ngọ. Những hạt kê vàng, mẩy tròn được ngâm nở, đun sôi đến khi mềm rồi bỏ thêm đường, nước gừng, vừa giúp diệt sâu bọ, vừa ngon miệng.

Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, một số gia đình sẽ nấu xôi chè để cúng Tết Đoan Ngọ. Những nhà nào có trồng cây ăn quả thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái ăn.

3. Nét văn hoá truyền thống ở miền Nam

Bánh ú nước tro

Là phiên bản Nam bộ của bánh gio miền Bắc, bánh ú nước tro nhỏ nhắn, xinh xắn với hình chóp ngộ nghĩnh. Bánh được gói trong một lớp lá, thường là lá tre hoặc lá chuối, phần nếp có màu nâu vàng rất đẹp, nhân là đậu xanh giã nhuyễn bùi, béo, ngọt nhẹ.

Chè trôi nước

Không chỉ xuất hiện vào dịp 23 tháng Chạp, chè trôi nước còn được người miền Nam làm và thưởng thức trong ngày Tết Đoan ngọ.

Những viên chè được vo thật tròn trong lòng bàn tay, bên ngoài là bột nếp, bên trong là đậu xanh đơn giản, được ăn cùng với nước đường và gừng giã nhuyễn, nước cốt dừa sánh và béo, đậu phộng rang đập dập bùi bùi hoặc một ít mè rang thơm lừng.

Mặc dù có nhiều nét khác biệt nhưng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền đều có một số điểm tương đồng như: thưởng thức trái cây có vị chua, ăn cơm rượu nếp hoặc ăn bánh tro (bánh gio, bánh ú)… hoặc bày những mâm cơm cúng, mong cầu sự bình yên, hạnh phúc.

Nguồn : bau.vn