Dạy nói cho trẻ tự kỷ: nghề toàn những gian nan

Nhìn người mẹ bật khóc khi đứa trẻ tự kỉ bập bẹ “ mẹ, yêu mẹ” là hình ảnh tôi luôn khắc sâu trong lòng, đó không chỉ là giọt nước mắt hạnh phúc của người làm mẹ ấy, mà còn là hạnh phúc của tôi, một giáo viên chuyên biệt đồng hành chữa trẻ tự kỉ trong suốt nhiều năm qua.

Đó là tâm sự của cô giáo Mai Thanh Hồng, thạc sĩ trong ngành giáo dục, và là chuyên gia trong lĩnh vực chữa ngọng, dạy tiền tiểu học cho trẻ tự kỉ.

Người giáo viên nghệ thuật nặng lòng với trẻ tự kỉ

Cô Mai Thanh Hồng từ nhỏ đã luôn đam mê khát khao theo đuổi công việc của nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, học thạc sĩ tại Đại học quốc gia Hà Nội, cô Thanh Hồng công tác giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Nghệ Thuật TW từ năm 2007 đến nay. Tình yêu với nghề luôn thôi thúc cô học hỏi không ngừng và đã đạt được nhiều thành công và thành tích cao trong suốt những năm công tác. Cô còn theo học thêm chuyên ngành giáo dục mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm TW để nâng cao nghiệp vụ với trẻ lứa tuổi mầm non.

Cơ duyên và cũng là bước ngoặt thay đổi con đường nghề nghiệp của cô chính là từ một lần đi chơi, cô Thanh Hồng gặp một cháu bé tự kỉ khi tiến đến một nhóm trẻ, liền bị mẹ của một bạn chạy tới xô cháu ra, và nói to: “Tránh nó ra, không lây bệnh thì khổ”

Với nỗi lòng của một người mẹ, với chuyên môn của nghề giáo, cô Hồng chạnh lòng và trăn trở suốt nhiều thời gian sau này về câu chuyện đó. Cô tìm hiểu rõ hơn về công việc của người giáo viên dạy trẻ chuyên biệt. Càng tìm hiểu chị càng gắn bó với nghề. Những đứa trẻ tự kỉ đủ mọi thiệt thòi. Đó là chứng bệnh trẻ bị bất thường ngôn ngữ, rối loạn hành vi, luôn thu hẹp mình, thiếu kĩ năng tương tác xã hội, và nhiều hành vi chống đối, hoặc bất thường khác. Vì vậy trong môi trường tập thể, trẻ tự kỉ không thể hòa nhập. Thương những đứa trẻ đó, cô Hồng luôn tìm mọi phương pháp để đồng hành chữa trị cùng các con.

Những trăn trở của người lái những chuyến đò đặc biệt

Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỉ còn khó hơn gấp trăm nghìn lần. Điều đó ai cũng biết, nhưng còn vô vàn những vất vả không tên của nghề thì không phải ai cũng biết. Bền bỉ theo đuổi con đường riêng, không khỏi nhiều lần cô Thanh Hồng rơi nước mắt vì những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua.

Mỗi trẻ tự kỉ là một thế giới riêng với một hội chứng riêng, một dạng chậm phát triển riêng biệt. Vì vậy không có một giáo án chung nào cho tất cả các con. Với mỗi bé, côThanh Hồng đều phải dành rất nhiều thời gian, tâm sức, tìm hiểu kĩ càng và lựa chọn phương pháp dạy phù hợp nhất. Nhiều trẻ khi bố mẹ đưa đến với cô Thanh Hồng là một chú rùa nhút nhát và kiên cố đóng chặt chiếc mai của mình, không nói chuyện, không giao tiếp. Nhưng bằng tình yêu trẻ, bằng cách tiếp cận của chuyên gia có kinh nghiệm và những phương pháp dạy khoa học, cô Thanh Hồng đã giúp con có thể giao tiếp, từ bập bẹ nói, kiên trì đến biết đọc. Nhiều trẻ tự kỉ lại có những khả năng đặc biệt rất tốt, các con có thể vẽ đẹp, hát hay, hoặc ghi nhớ bài học một cách đặc biệt. Luôn luôn bên cạnh các con, theo sát từng biến chuyển mỗi ngày của trẻ, nên côThanh Hồng luôn giúp được các con tốt hơn mỗi ngày.

“Đang làm giảng viên đại học, sao phải khổ đi làm giáo viên chuyên biệt” đó là câu hỏi cô thường xuyên nhận được từ bạn bè, người thân. “Bản thân mình là giáo viên, còn bị kì thị về công việc như thế, nữa là những đứa trẻ, nhìn chúng cười ngây thơ khi bị xa lánh, kì thị, cô lập, hương lắm. Vì vậy, tôi càng quyết tâm theo đuổi, bám trụ với nghề” – cô Thanh Hồng tâm sự.

Bao sự gian nan vất vả đổi lại bằng một tiếng gọi Cô ơi, mẹ ơi, đổi lại bằng một kĩ năng thành thục của trẻ, hay bằng chính những ánh mắt hạnh phúc, biết ơn của cha mẹ khi con tiến bộ mỗi  ngày. Đó chính là trái ngọt của nghề, mà vì đó, cô Thanh Hồng luôn sẵn sàng hi sinh và dấn thân vào muôn vàn thử thách với trẻ tự kỉ.

Những tâm huyết giúp trẻ tự kỉ chữa ngọng, học tiền tiểu học để hòa đồng

Nếu nhận được sự hỗ trợ phù hợp, trẻ tự kỉ có thể thích ứng được với môi trường sống và cải thiện khả năng giao tiếp, có cơ hội để phát triển và tham gia vào các hoạt động xã hội một cách tích cực. Đặc biệt nếu được can thiệp sớm và kịp thời, nhiều trẻ khỏi bệnh và trở lại cuộc sống bình thường như mọi trẻ em khác.

Đặc biệt với các em chuẩn bị bước vào lứa tuổi đi học tiểu học. Cô Thanh Hồng giúp các con chữa ngọng, có thể phát âm tròn vành rõ chữ. Giúp các con diễn đạt câu cú trọn vẹn để khi vào môi trường tiểu học, các con có thể hòa nhập với bạn đồng trang lứa.

Chỉ có yêu thương và điều trị đúng phương pháp mới giúp các con có thể hòa nhập với môi trường, với tâm niệm đó cô Mai Thanh Hồng vẫn ngày ngày miệt mài đem tâm sức của mình đồng hành và giúp đỡ trẻ tự kỉ hòa nhập lại môi trường cộng đồng.

 

Nguồn : bau.vn