Đổ mồ hôi trộm: Mẹ cũng thành chuyên gia nếu biết những mẹo này

Dinh dưỡng hợp lý, bổ sung Canxi và vitamin D... là những cách làm đơn giản giúp con thoát khỏi tình đổ mồ hôi trộm.

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ em là tình trạng trẻ ra rất nhiều mồ hôi trong khi ở trạng thái “tĩnh”. Tình trạng này thường xuất hiện vào ban đêm khi trẻ đi ngủ nên được gọi là mồ hôi trộm.

Có 2 kiểu đổ mồ hôi trộm:

  1. Đổ mồ hôi trộm do sinh lý:

Ở trẻ, sự trao đổi chất diễn ra mạnh hơn so với người lớn và hiện tượng ra mồ hôi trộm nhiều hơn chính là cách để cơ thể của bé được tỏa nhiệt. Trong trường hợp này, mồ hôi trộm không gây tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.

2.  Đổ mồ hôi trộm do bệnh lý:

Những trẻ bị mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm sẽ có biểu hiện của ra mồ hôi trộm ở đầu, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi ra nhiều nhưng không phải do thời tiết.

Bên cạnh hiện tượng mồ hôi trộm, trẻ còn có những biểu hiện khác như ăn uống kém, đầu xương to, ngực nhô,… Những nơi thường xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhiều nhất là vùng lưng, trán, nách, hay bàn tay, bàn chân…

Nguyên nhân trẻ bị mồ hôi trộm

  • Thiếu Canxi: Canxi cần thiết cho sự phát triển của xương và điều hòa hệ thống tăng tiết mồ hôi của cơ thể trẻ. Vì vậy, trẻ bị thiếu Canxi là nguyên nhân gây ra hiện tượng đổ mồ hồ hội trộm, còi xương, thấp còi, kém phát triển chiều cao.
  • Thiếu Vitamin D: Đa phần các trường hợp đổ mồ hôi trộm ở trẻ từ 0-12 tháng tuổi là do thiếu vitamin D, bởi đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh nhất.
  • Chứng tăng tiết mồ hôi: Nếu để trẻ ở trong phòng lạnh, không khí thoáng mát mà trẻ vẫn đổ nhiều mồ hôi thì có thể bé đang mắc chứng tăng tiết mồ hôi. Triệu chứng này cũng dễ gặp ở những người có bàn tay và bàn chân hay dính ướt do ra mồ hôi.
  • Mắc bệnh tim bẩm sinh:  Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ sau khi ra đời, nếu con có dấu hiệu tím, thở nhanh (kể cả khi không bú, không vận động thể lực), đổ nhiều mồ hôi… bố mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để khám sàng lọc tim bẩm sinh.

Ngoài ra còn nguyên nhân khách quan khác là do bố mẹ ủ ấm con quá kỹ hoặc phòng ngủ quá bí khiến trẻ khó chịu toát mồ hôi.

Mẹo giúp mẹ khắc phục tình trạng ra mồ trộm của con

Dinh dưỡng hợp lý:

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc hạn chế tình trạng ra nhiều mồ hôi ở trẻ nhỏ.

Nếu còn trong giai đoạn bú sữa mẹ, các mẹ hãy cho trẻ bú thường xuyên và nhiều để bù lại lượng nước, khoáng chất mà trẻ bị mất khi tiết quá nhiều mồ hôi.

Nếu con đã ăn dặm cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại rau củ quả có tính mát như bí đao, cam, rau má, cải ngọt… tránh xa các loại quả nóng như: mít, sầu riêng, xoài… Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm nóng, chứa nhiều dầu mỡ để tránh ra nhiều mồ hôi, khiến trẻ ngứa và nổi mụn.

Bổ sung Canxi:

Đổ mồ hôi trộm thường xuyên là dấu hiệu của việc trẻ bị còi xương và thiếu canxi . Do đó, mẹ cần hiểu đúng cách để bổ sung dưỡng chất này cho trẻ. Canxi là vi chất rất quan trọng chống còi xương. Tuy nhiên, một mình Canxi lại không thể phát huy hiệu quả mà cần đi cùng với các dưỡng chất khác.

Bổ sung vitamin D:

Có rất nhiều cách để bổ sung vitamin D. Cha mẹ có thể cho bé tắm nắng buổi sáng vào các khung giờ 6 đến 9 giờ (mùa hè) và từ 9 đến 10 giờ (mùa đông). Lưu ý, chỉ để da của bé tiếp xúc với ánh sáng, không nên cho mắt trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Giữ cho cơ thể trẻ luôn mát mẻ, thoải mái:

Tạo không gian rộng, thoáng mát và phòng ngủ không bí bách, ngột ngạt. Giúp trẻ vệ sinh sạch sẽ, thoải mái mỗi ngày cũng là việc làm giúp giảm thiểu lượng mồ hôi trộm của trẻ.

Đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế uy tín:

Nên đưa trẻ đi khám nếu hiện tượng mồ hôi trộm ở trẻ kéo dài kèm theo một số những biểu hiện nghiêm trọng như sốt, chậm mọc răng, chậm đi, thóp đầu chậm liền… để được các bác sĩ điều trị kịp thời.

 

 

Nguồn : Sức Khỏe 24h