1. Vì sao phải rèn kỹ năng cho bé?
Theo các chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản): Thời gian từ 1 – 6 tuổi rất quan trọng với các bé. Đây là khoảng thời gian bé bắt đầu học những thói quen, nếp sống của người lớn. Bạn cần chú ý để rèn cho bé những kỹ năng cơ bản, giúp bé tự tin, hòa đồng trước khi bước vào lớp 1.
Các chuyên gia cũng chỉ ra các thói quen trong tư duy giáo dục con cái của phụ huynh Á Đông là: cha mẹ bao bọc con thái quá, cho con học bơi thì sợ con chìm, con học đạp xe thì sợ con ngã, đi xa thì sợ con ốm, con bỏ ăn một bữa là cha mẹ hoảng hốt,… Thói quen này không phải là tốt vì nó làm cho em bé lớn lên sống ỷ lại, nhút nhát, không dám thể hiện mình trước đám đông, không thể tự quyết định, ích kỷ và thậm chí là ngỗ ngược.
Việc rèn luyện kỹ năng cho con nên bắt đầu từ khi bé còn nhỏ, tốt nhất là trước 6 tuổi. Một đứa bé trước khi vào lớp 1 cần phải biết chào hỏi người lớn một cách lễ phép chứ không phải cha mẹ nhắc mới chào. Bé cũng cần biết cách tự sắp xếp góc riêng của mình, nếu bày ra thì phải dọn. Bé có thể làm chủ chính mình khi hòa nhập với môi trường tập thể.
2. Bé cần có những kỹ năng gì?
Khi trẻ 1 tuổi: Bé biết gọi mẹ khi sắp đi vệ sinh.
Trẻ 2,5 tuổi: Biết ăn cơm và tự xúc ăn một mình. Bạn cần giúp trẻ có ý thức nếu không ăn sẽ đói, sẽ mệt chứ không phải là “con ăn giùm cha mẹ với” như kiểu nói của một số cha mẹ chiều con.
Trẻ 3 tuổi: Biết tự vệ sinh cá nhân như: rửa mặt, lau mặt, đánh răng, biết gọi người thân khi có khách hoặc gặp người lạ.
Trẻ 3,5 tuổi: Nhớ tên mình và người thân, địa chỉ nhà và số điện thoại của bố mẹ.
Khi đi học mẫu giáo:
+ Biết chơi chung, chia sẻ đồ chơi với bạn bè, nghe lời cô giáo; biết phân biệt đồ của mình và của người khác.
+ Biết chào hỏi người lớn, khi trả lời biết “vâng”, “dạ”; khi nhận quà biết “cảm ơn”, khi mắc lỗi biết tự giác “xin lỗi” (điều này ít bé làm được).
+ Biết cách tự chăm sóc bản thân: giữ vệ sinh, biết trang bị những vật dụng khi ra đường như: mũ, khăn, kính, áo khoác, khẩu trang (chứ không phải đứng yên đợi mẹ lấy cho); biết đi đại tiện, tiểu tiện đúng nơi; đổ rác vào thùng rác; rửa tay trước khi ăn; ăn xong biết tự dọn chén của mình; đánh răng trước khi đi ngủ.
+ Biết ứng xử trước một số tình huống khẩn cấp: thấy người lạ vào nhà biết kêu lên, thấy người gặp nạn biết gọi người khác cùng giúp đỡ, đi lạc biết nhờ ai đó dẫn về theo địa chỉ nhớ sẵn trong đầu và hoà đồng, nhường nhịn em nhỏ hơn.
3. Cha mẹ cần làm gì?
– Tập cho trẻ làm quen với mọi thứ xung quanh, học cách tự xoay sở, giải quyết vấn đề. Ngay cả việc cơ bản nhất là ăn uống cũng phải ăn có nề nếp, khoa học. Bạn có thể dạy bé ăn tất cả các món và thích nhất là một số món chứ không phải là: chỉ có thể ăn một số món, còn các món khác thì không biết ăn.
– Để trẻ tự giải quyết hậu quả của những việc do mình gây ra như: xin lỗi khi đánh bạn, không vâng lời; thu dọn đồ chơi bày bừa, dọn dẹp phần cơm ăn rơi vãi, không được mua thêm áo mới trong năm đó nếu làm rách áo hay làm mất,…
– Giúp trẻ ý thức được giá trị của tiền và học cách tiết kiệm, làm việc gì đó để có dư tiền sắm những thứ mình muốn.
– Không nên dùng các biện pháp đánh đập hay quát mắng để mong bé tiến bộ, bởi thế chưa chắc đã cho kết quả như mong muốn. Cũng không nên nịnh nọt, dỗ dành bé vì bé sẽ được đà và sẽ càng đưa ra yêu sách.
– Khi rèn bé, mọi người trong gia đình phải đồng thuận, thống nhất ý kiến, tránh người mắng, người bênh trước mặt trẻ. Hoặc tránh để trẻ ỷ lại như trường hợp sau: Bé Kunsu, 3,5 tuổi đến lớp bị bạn bắt nạt. Bé về mách bố thì được bố dạy là “con phải đánh lại, không được để ai ăn hiếp”. Kết quả là bây giờ bé gặp người lạ là không chào, còn nhìn họ với ánh mắt “rất khiêu khích”. Bé đi học về lần nào cũng sưng má hay trầy tay do đánh nhau với bạn”.
– Không nên “phủ” lên đầu bé những cái “nhất” như trường hợp sau của bé Tatsuku, 5 tuổi: Bà nội bé lúc nào cũng khen “cháu ngoan nhất, cháu giỏi nhất, cháu của bà là thông minh nhất, xung quanh không ai đẹp như con,… nhưng thực ra cô bé cũng bình thường, nếu không muốn nói là suy dinh dưỡng và hơi quậy. Việc bà nội hay gán ghép vào đầu bé những khái niệm đó có thể khiến bé sau này lớn lên sẽ tự đắc về bản thân, dễ sinh thói ganh ghét nếu có ai đó hơn mình.
4. Lưu ý khi rèn dạy bé
Hạn chế tối đa dùng roi vọt.
Nhắc nhở một, hai lần đầu nếu trẻ không nhớ.
Đưa ra hình thức phạt và tuân thủ nghiêm khắc quy định, không được phá lệ.
Không phạt trẻ khi có khách trong nhà, chốn công cộng.
Nếu trẻ không bằng lòng với cách phạt của bạn thì cùng thương lượng với bé hình thức xử phạt mà bé cho là hợp lý.
Luôn tỏ ra tôn trọng ý kiến của bé, bình đẳng trong cách nói chuyện với bé, không gán ép, nên hạn chế những câu như: “Con không được, con phải…” mà thay vào đó là “con nên, con đừng, mẹ sẽ rất vui nếu con…” hay là “mẹ con chúng ta cùng… con nhé”.
Nguồn : Sức Khoẻ Cộng Đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/giai-dap-cho-me-truoc-6-tuoi-be-can-ky-nang-gi-a182030.html