Hành vi của cha mẹ khiến con trở thành đứa trẻ kém cỏi, thất bại

Những đứa trẻ phát triển nhận thức - hành vi ra sao phụ thuộc lớn vào hành vi của cha mẹ. Dưới đây là những hành vi của cha mẹ ảnh hưởng vô cùng xấu tới con.

Bảo vệ đứa trẻ quá mức

Sợ con ngã, sợ tiếp xúc với chó mèo con sẽ bị ho, trời chưa trở gió đã che quấn cho con ấm áp… Rất nhiều bậc phụ huynh đang bao bọc con thế này.

Xa hơn, họ lo trước cho con trường lớp, xử lý giúp con mọi rắc rối với các mối quan hệ xung quanh. Những đứa trẻ được bao bọc quá mức thế này thường không có kinh nghiệm sống khi lớn lên. Kết quả chúng dễ thất bại và một khi gặp thất bại thì không có năng lực tự đứng lên. Đó mới là bất hạnh.

Phủ nhận cảm xúc của con

Bạn cứ hay bảo “đừng lo con”, “nín đi con”, thực ra thông điệp gửi đi này rất phản tác dụng. Bởi vì bạn đang dạy con che giấu cảm xúc của mình, dìm cảm xúc đó xuống, từ đó khiến con che giấu cảm xúc hoặc làm tê liệt cảm xúc bằng các cách không lành mạnh khi trưởng thành.

Chỉ khen ngợi thành tích

Khi cha mẹ khen trẻ đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra hoặc điểm cao nhất trong trò chơi, bạn đang dạy con rằng thành tích quan trọng hơn mọi thứ khác.

Những đứa trẻ chỉ nghe lời khen về thành tích có thể dung dưỡng suy nghĩ phải thành công bằng mọi giá. Chúng có thể nói dối, gian lận để thành người chiến thắng.

Cha mẹ hãy khen con trong suốt quá trình, để cho con thấy bản thân đã chăm chỉ mới đạt được thành công hoặc sẵn sàng dũng cảm làm một điều gì đó mà ban đầu không dám vượt qua.

Bắt con sống theo cách mình muốn

Rất nhiều cha mẹ có những vết thương lòng chưa lành, nên đã muốn con thực hiện việc mình chưa làm được, như một cách để chữa lành những vết thương. Những đứa trẻ thế này sẽ lớn lên không có niềm tự hào về bản thân, kém năng lực chịu trách nhiệm. Chúng có thể bực bội với cha mẹ, đồng thời cũng phụ thuộc cha mẹ để giúp đưa ra quyết định.

Bạo lực giữa cha mẹ gây hại cho sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ

Theo kết quả từ các nghiên cứu khác nhau, sự xung đột, bạo lực, xúc phạm lẫn nhau giữa cha mẹ sẽ để lại di chứng, sự tổn thương tâm lý nặng nề cho trẻ, khiến trẻ bị trầm cảm, sợ, không tin, hoặc không đón nhận tình cảm thân mật từ người khác kể cả khi đã trưởng thành.

Không những thế, hành vi bạo lực còn gây ra vấn đề về thể chất như các bệnh liên quan đến thần kinh, mạch máu và hệ miễn dịch.

“Chiến tranh lạnh” cũng gây ra vô số vấn đề

Không chỉ xung đột, tranh cãi to tiếng mới gây ra vấn đề, mà hình thức “chiến tranh lạnh” cũng thực sự đáng lo ngại. Khi cha mẹ không nói gì, nhưng cũng không nhìn mặt nhau sẽ dẫn đến trường hợp con cái luôn hoài nghi, nhút nhát, không biết chuyện gì đúng, chuyện gì sai. Về lâu về dài, các em sẽ dễ bị thờ ơ, thiếu sự nhiệt tình trong cuộc sống, cũng như sự nghiệp sau này.

Cha mẹ không ổn định chỗ ở có thể khiến trẻ bỏ học giữa chừng

Cha mẹ chuyển chỗ ở quá nhiều lần là yếu tố gây stress cho con. Các em không chỉ phải thay đổi để sắp xếp lại cuộc sống, mà còn phải làm quen trường lớp mới, bạn bè mới liên tục. Điều này kéo dài khiến các em không có bạn bè thân thiết, bị bắt nạt tại trường, nản chí hoặc bỏ học.

Nguồn : bau.vn