3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn vùng chậu của mẹ bầu trở nên đau đớn hơn rất nhiều
3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn vùng chậu của mẹ bầu trở nên đau đớn hơn rất nhiều
1/ Nguyên nhân đau xương chậu khi mang thai
Áp lực và cảm giác khó chịu ở vùng xương chậu là “tác dụng phụ” thông thường của việc mang thai. Ngoài ra, điều này còn tùy thuộc vào vị trí, tư thế và cân nặng của thai nhi nữa. Bạn cứ tưởng tưởng: trước đây khu vực này là “vườn không nhà trống, giờ đây lại có một em bé cỡ 3-3,5kg, lớn hơn kích thước cho phép xin “tạm trú” nên việc tạo ra áp lực lên khu vực này là điều khó tránh khỏi. Áp lực lên vùng chậu, xung quanh tử cung sẽ ngày càng tăng lên theo quá trình phát triển của thai nhi và việc cơ thể phải “nới rộng ra” sẽ thực sự làm cho mẹ bầu đau đớn.
Để thích nghi với sự phát triển của thai nhi, tử cung của mẹ sẽ cần phải lớn theo. Và vì vậy mà tử cung sẽ cần “đất” rộng hơn để ở. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên vùng xương chậu. Ngoài ra, dây chằng vùng xương chậu cũng sẽ phải giãn căng ra khi mang thai nên thai phụ sẽ càng thấy đau xương chậu
Thai 36 tuần, bé đã xoay đầu và ở vị trí thấp nhất, sẵn sàng chào đời. Đây sẽ là đỉnh điểm cho những cơn đau và cảm giác khó chịu ở mẹ bầu. Việc máu dồn về khu vực xương chậu nhiều hơn và các dây thần kinh hoạt động cao độ tại đây cũng sẽ làm tăng thêm cảm giác khó chịu.
2/ Các biểu hiện của triệu chứng đau xương vùng chậu
Biểu hiện chính của triệu chứng này là đau lưng, hông và vùng chậu cùng với sự nhức nhối xung quanh vùng mông. Một số mẹ sẽ được trải nghiệm “ trọn gói” những biểu hiện này và một số sẽ chỉ trải qua một hay hai biểu hiện mà thôi.
Nếu đã “trót dính” vào triệu chứng này, ngay cả những hoạt động đơn giản nhất thường ngày cũng có thể làm cho cơn đau trở nên tệ hơn. Từ việc đi đứng, nằm đến ngồi cũng sẽ làm cho các mẹ thấy khá đau đớn và các mẹ sẽ có cảm giác như thể sự đau nhức có thể hiện diện trong mọi cử động của mình.
3/ Đau xương chậu khi mang thai có nguy hiểm?
Ở một mức độ nào đó thì những cơn đau và áp lực là chuyện bình thường, tuy nhiên, các mẹ cũng cần biết mức độ “báo động”, sự can thiệp của y tế là điều rất quan trọng, nhất là áp lực vùng chậu trong thai kỳ.
Áp lực lên vùng chậu sẽ bắt đầu khá sớm và cảm giác không thoải mái sẽ xuất hiện khoảng một vài tháng sau. Khi cảm thấy có cơn đau nhói như thể vùng chậu thắt lại, mẹ bầu nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu co thắt chuyển dạ sớm.
Một số dấu hiệu nguy hiểm khác mà các mẹ bầu cũng cần lưu ý như chảy máu âm đạo, rỉ nước ối nhiều, chuột rút hay các cơn đau co thắt. Và nếu thấy bé có những chuyển động bất thường hay ngừng hoạt động, mẹ cần đi kiểm tra ngay.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để được các bách sĩ sản khoa thăm khám, tư vấn nhằm đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
4/ Đối phó với áp lực vùng chậu trong thai kỳ
Có khá nhiều cách mà các mẹ bầu có thể áp dụng để giảm áp lực lên vùng chậu khi mang thai.
– Nghỉ ngơi: vào những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu nên nằm nghỉ càng nhiều càng tốt, nằm nghiêng một bên hoặc nằm ngửa rồi nâng cao đầu và chân giống như tư thế đang ngồi
– Di chuyển nhẹ nhàng: mẹ bầu có thể đi lại, bơi hay tập một số bài vận động một cách nhẹ nhàng để giúp kéo căng cơ lưng và cơ bụng
– Chườm nước: đắp những miếng gạc nóng và lạnh lên vùng bị bị đau cũng là một cách an toàn mà các mẹ có thể thử để giảm đau và cách này có thể thực hiện trong mọi tư thế từ đứng đến ngồi.
– Mang đai hỗ trợ thai phụ: đây là một dây đai nhằm nâng đỡ “ba lô đội ngược” của bạn, nhờ đó giảm được tải trọng mà vùng chậu phải “gồng gánh” nên áp lực lên vùng này cũng giảm đi. Các mẹ nên nhờ bác sỹ tư vấn xem mình nên mua loại nào và mua ở đâu cho yên tâm.
Đai hỗ trợ có thể giúp mẹ bầu giảm bớt áp lực vùng chậu
– Mát xa: các mẹ bầu có thể trải nghiệm dịch vụ mát xa chuyên nghiệp dành cho bà bầu và nhờ các huấn luận viên tư vấn thêm một số phương pháp thay thế khác như châm cứu chẳng hạn
– Tắm nước ấm: đây là một giải pháp truyền thống nhằm giúp cho các cơ bắp được giải phóng, thư giãn trong vài phút
– Tránh mang các thể loại giày có gót, ưu tiên mang giày đế bằng và thấp
– Cố gắng duy trì tư thế ngồi và đứng đúng cách, nên sử dụng một số nệm hỗ trợ khi cần
– Phân bố đều trọng lượng lên cơ thể, chẳng hạn như không nên mang vác bất cứ thứ gì ở một bên vai
– Hạn chế tối thiểu những hoạt động có liên quan đến các cơ vùng chậu, và nếu lỡ có làm thì nên cử động nhẹ nhàng
– Nên kê gối dưới chân khi nằm nghỉ hay ngủ
– Khi cảm thấy đau hay không thoải mái, nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi hay nằm của mình
4/ Một số điều cần biết về triệu chứng đau xương chậu khi mang thai
– Đau vùng thắt lưng chậu là một triệu chứng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai và đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định chính xác những nguyên nhân nào dẫn đến triệu chứng này. Nó có thể là do sự thay đổi về tư thế, hình thể hay sự điều chỉnh nồng độ hóc-môn relaxin ở các khớp để phù hợp với việc nâng đỡ em bé…
– Cứ 5 người mang thai thì có 1 người sẽ mắc phải triệu chứng đau thắt lưng chậu trong suốt thai kỳ và được điều trị càng sớm thì cảm giác đau nhức sẽ mau thuyên giảm hơn.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn