Lạm dụng thuốc khi bé biếng ăn – mối nguy hại tiềm ẩn

Biếng ăn là một tình trạng thường thấy ở trẻ nhỏ, tuy nhiên thay vì bổ sung dưỡng chất và thay đổi thực đơn, nhiều mẹ lại lạm dụng thuốc cho bé.

Theo thống kê cho thấy có khoảng 50% bé dưới 6 tuổi mắc chứng biếng ăn. Tỉ lệ này hiện nay vẫn còn đang tăng dần theo từng ngày. Nhiều cha mẹ đã tìm đến thuốc biếng ăn như một biện pháp khắc phục. Tuy nhiên đây lại là một sai lầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng bé biếng ăn

  • Trẻ thiếu kẽm: Kẽm chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất axit clohydric. Axit này có tác dụng giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn. Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến cơ ché kích hoạt cảm giác đói ở trẻ.
  • Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng: Các bệnh về tiêu hóa và đường ruột cũng là nguyên nhân gây biếng ăn phổ biến ở trẻ. Một vài hiện tượng như đầy hơi, khó tiêu sẽ khiến trẻ khó chịu và bỏ bữa.
  • Trẻ bị ảnh hưởng sau khi hồi phục bệnh: Nếu như trẻ đột nhiên biếng ăn, rất có thể đó là do ảnh hưởng của bệnh và thuốc trước đó. Hệ thống tiêu hóa là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này. Ngay khi đã khỏi bệnh thì cơ thể trẻ vẫn sẽ bị tác dụng phụ dẫn đến biếng ăn, thay đổi vị giác.
  • Ngoài ra trẻ có thể lười ăn do một số nguyên nhân khác: viêm amidan, ho, đau họng, mọc răng,…

Lạm dụng thuốc biếng ăn – mối nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe của trẻ

Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc khi bé biếng ăn xuất hiện ở nhiều gia đình. Tuy nhiên các loại thuộc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ. Một số thuốc không hề có tác dụng trị biếng ăn mà chỉ giữ nước, tạo béo “giả”. Thị trường hiện nay còn có nhiều thuốc giả mạo. Các loại thuốc này được trộn từ thuốc ngủ và thuốc kích thích thèm ăn.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, mỗi tháng có đến 70% trẻ đến khám do nguyên nhân biếng ăn. Thay vì nghe lời khuyên của bác sĩ, các bậc phụ huynh lại tự ý mua thuốc bên ngoài. Các chuyên gia cho biết, trong y học không có loại thuốc trị biếng ăn. Một số thuốc sẽ gây thèm ăn nhưng nếu rời thuốc thì trẻ sẽ biếng ăn như cũ. Đặc biệt thành phần của các thuốc này nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hậu quả của việc lạm dụng thuốc kích thích ăn ngon

Corticoid là thành phần được tìm thấy trong một số thuốc trên thị trường. Chế phẩm có chứa corticoid chỉ giữ nước, tạo béo giả. Về lâu dài chất này sẽ làm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Corticoid cũng ảnh hưởng tới chức năng tuyến thượng thận, rối loạn quá trình tổng hợp xương đối với trẻ đang trong độ tuổi phát triển.

Bên cạnh đó, Cyproheptadine cũng là chất cấm sử dụng trong các sản phẩm trị biếng ăn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Cyproheptadine vẫn còn được sử dụng trên thị trường hiện nay dưới những tên gọi khác nhau ví dụ: Peritol, Periactin, Dynamogen, Ciplactin, Ciprodin. Đây là điều mà phụ huynh đặc biệt cần lưu ý. Cyproheptadine sẽ khiến hệ thần kinh trong trạng thái ức chế. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ. Nguy hiểm hơn có thể bị kích thích, co giật (thần kinh ngoại tháp).

Khi bé biếng ăn, mẹ chỉ nên bổ sung các loại thuốc bổ cho trẻ. Bất kì loại thuốc nào cũng cần chỉ định của bác sĩ về liều lượng, cách sử dung. Cha mẹ cần tuyệt đối không lạm dụng quá mức. Bổ sung các dưỡng chất cần thiết kết hợp chế độ ăn hợp lí sẽ giúp giải quyết tình trạng biếng ăn ở trẻ.

Nguồn : bau.vn