Thai lưu là thai không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung. Hiện tượng này cần được phát hiện và can thiệp sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh lý nào của mẹ có nguy cơ gây thai lưu?
Có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu cả ở phía người mẹ lẫn phía thai nhi. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến nguyên nhân từ phía mẹ dẫn đến hiện tượng thai chết lưu.
Trong quá trình mang thai do người mẹ bị mắc các bệnh lý mạn tính như: viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, tăng huyết áp hoặc mắc các bệnh nội tiết như Basedow, thiểu năng giáp trạng, đái tháo đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận… có thể dẫn thai chết lưu. Ngoài ra, tình trạng nhiễm độc thai nghén là nguyên nhân dễ gây ra thai chết lưu nếu người mẹ bị bệnh kéo dài nhiều ngày, tình trạng ăn ngủ kém làm cho thai bị suy dinh dưỡng và chết lưu.
Những bệnh lý khác ở mẹ như nhiễm ký sinh trùng như sốt rét, nhiễm vi khuẩn (giang mai), nhiễm virut (viêm gan, quai bị, cúm…) hoặc mẹ có tử cung dị dạng, tử cung kém phát triển làm cho thai bị nuôi dưỡng kém. Đặc biệt, những người mẹ trên 40 tuổi mang thai, tỷ lệ thai chết lưu cao gấp 5 lần so với những người mẹ tuổi dưới 40. Dinh dưỡng kém, lao động vất vả… cũng là những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu.
Do đó, khi phát hiện mình mang thai hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị mang thai, nếu bản thân mẹ có mắc một trong những bệnh lý kể trên thì nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Để từ đó, bác sĩ có thể điều trị hiệu quả các bệnh mà mẹ mắc phải cũng như theo dõi sức khỏe mẹ lẫn thai nhi tốt hơn, tránh trường hợp sẩy thai, lưu thai nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn : Sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/me-bi-benh-gi-de-dinh-thai-luu-a179598.html