Mẹ bị viêm gan B sẽ ảnh hưởng tới thai nhi thế nào?

Bà bầu bị viêm gan B có thể truyền sang thai nhi trong thời gian mang thai hoặc trong quá trình sinh con với tỷ lệ lây nhiễm lên đến 95%.

 

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, do vi-rút viêm gan B (HBV) gây ra. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở Việt Nam khá cao, khoảng 10-15%. Nếu không để ý, bạn rất dễ lây nhiễm, và truyền sang cho con trong quá trình mang thai, sinh con. Vì vậy, trước khi có ý định mang thai, hầu hết chị em phụ nữ đều tiêm phòng vắc-xin ngừa viêm gan. Tuy nhiên, với những mẹ chưa kịp tiêm phòng nhưng đã mang thai, liệu vắc-xin bây giờ có còn hiệu quả?

Tiêm phòng viêm gan B khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?

Hiện tại, vắc-xin ngừa viêm gan có 2 loại: Một loại chứa protein bề mặt không nhiễm trùng được tinh chế, phân lập từ huyết tương của người có HbsAg, loại còn lại được phối hợp với các HbsAg sản xuất từ nấm. Cả 2 loại vắc-xin đều ở dạng không hoạt động, nghĩa là không chứa vi-rút sống nên sẽ không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không thuộc trường hợp nguy cơ cao, tốt nhất bạn nên chờ đến khi sinh con xong mới tiêm phòng. Mặc dù không ảnh hưởng xấu đến thai nhi, nhưng do hệ miễn dịch suy yếu, việc tiêm phòng viêm gan B khi mang thai có thể dẫn đến một vài tác dụng phụ không mong muốn, đồng thời cũng khó đánh giá được mức độ bảo vệ của vắc-xin.

Nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp sau đây, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tiêm phòng vắc-xin ngừa viêm gan B:

– Anh xã hoặc người thân trong gia đình nhiễm viêm gan B.

– Thường xuyên tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh.

– Bệnh nhân truyền máu, lọc máu…

Thông thường tiêm phòng viêm gan B sẽ có 3 mũi: Mũi 1 tiêm ngay khi biết có thai, mũi 2 sau mũi 1 ít nhất 1 tháng, mũi 3 sau mũi 1 ít nhất 6 tháng. Sau 3 tháng, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ kháng thể ngừa vi-rút viêm gan B. Nếu nồng độ này đạt ít nhất 100UI/l, bạn có khả năng miễn dịch cao. Nếu nồng độ này không đạt, bạn cần được tiêm 1 mũi nhắc lại trong vòng 1 năm.

Bà bầu bị viêm gan B có nguy hiểm?

Mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và vàng da là những biểu hiện thường gặp khi bà bầu bị viêm gan B. Tuy nhiên, nếu viêm gan B giai đoạn đầu sẽ rất khó phát hiện, bởi không có triệu chứng đặc biệt nào, cần phải thử máu mới có thể phát hiện bệnh.

Nếu nhiễm viêm gan B trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm sang thai nhi chỉ khoảng 1%. Tỷ lệ lây nhiễm này có thể tăng đến 10-20% nếu bà bầu bị viêm gan trong tam cá nguyệt thứ 2, và có thể tăng đến 80 % trong tam cá nguyệt thứ 3. Trong quá trình sinh con, tỷ lệ lây nhiễm vi-rút viêm gan từ mẹ sang thai nhi thậm chí lên đến 95%.

Ngoài ra, bà bầu bị viêm gan còn có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: sinh non dưới 34 tuần, xuất huyết trước sinh, trẻ sơ sinh có nguy cơ suy hô hấp…

Bảo vệ bé cưng khỏi viêm gan B, mẹ đã biết cách?

Để giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ từ mẹ, các chuyên gia khuyến cáo tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 12-24 giờ sau sinh. Khả năng bảo vệ của mũi tiêm này có thể lên đến 90% nếu được tiêm phòng đúng cách, đúng thời điểm. Tiêm phòng quá muộn, nguy cơ trẻ bị viêm gan B rất cao.

Nếu mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở), bé mới sinh sẽ được tiêm ngay một liều immunoglobulin và một mũi vắc-xin ngừa viêm gan B thông thường. Tháng thứ 2 sau sinh, bé sẽ được tiêm tiếp mũi 2, và mũi thứ 3 vào tháng thứ 4.

Với mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính, bé mới sinh sẽ được tiêm hai liều immunoglobulin và một mũi vắc-xin ngừa viêm gan B thông thường. Mũi thứ 2, thứ 3 cũng được tiêm tiếp vào tháng thứ 2 và tháng thứ 4

Nguồn : bau.vn