Các bác sĩ da liễu không khuyến khích việc nặn mụn, đặc biệt là với mụn mủ, vì nặn mụn không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, khó điều trị phục hồi.
Khi nốt mụn chưa hình thành nhân mụn, tốt nhất không nên cố gắng nặn nó ra. Phần lớn các trường hợp cố nặn mụn khi các nốt mụn chưa chín đều tạo thành sẹo.
Bạn chỉ nên nặn mụn khi thấy chúng đã hình thành đầu trắng hoặc vàng, khô và lỗ chân lông không còn sưng đỏ.
Trước khi nặn mụn, nên rửa tay sạch sẽ, quấn gạc vô khuẩn quanh phần đầu ngón tay để có thể thao tác một cách nhẹ nhàng.
Nếu không tự tin nặn mụn tại nhà hoặc đối với tình trạng mụn nghiêm trọng, nên tìm đến bác sĩ da liễu để được loại bỏ mụn an toàn, không để lại thâm, hạn chế tình trạng da tái nhiễm trùng hoặc bội nhiễm.
Dưới đây là một số cách chăm sóc sau khi nặn mụn, giúp da nhanh phục hồi:
1. Giữ da luôn sạch sẽ
Một trong những bước quan trọng đầu tiên sau khi nặn mụn là giữ da luôn sạch sẽ. Việc này không chỉ ngăn ngừa nhiễm khuẩn, mà còn giúp da hồi phục nhanh hơn. Hãy đảm bảo:
- Sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch: Nước muối sinh lý giúp làm sạch vùng da, loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
- Hạn chế chống tay lên cằm và dùng tay sờ lên mặt: Thói quen này có thể vô tình mang vi khuẩn có hại tiếp xúc với da gây viêm nhiễm, dễ hình thành mụn mới.
2. Làm dịu da bằng các sản phẩm chăm sóc phù hợp
Sau khi nặn mụn, da dễ bị viêm nhiễm, sưng đỏ. Để làm dịu da, có thể lựa chọn kem hoặc gel có chứa thành phần như panthenol, allantoin hoặc lô hội. Các thành phần này có khả năng giảm viêm, cung cấp độ ẩm, đồng thời tăng tốc độ tái tạo tế bào da.
Nên tránh sản phẩm chứa cồn hoặc hương liệu, bởi những chất này sẽ làm da khô và dễ kích ứng hơn.
3. Dưỡng ẩm
Làn da sau khi nặn mụn thường mất đi lớp màng bảo vệ tự nhiên, dễ bị khô và yếu hơn. Vì vậy, việc bổ sung độ ẩm là cực kỳ cần thiết.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng: Ưu tiên kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ, không gây bít tắc lỗ chân lông.
- Bổ sung nước từ bên trong: Uống đủ nước mỗi ngày giúp da duy trì độ ẩm, hỗ trợ phục hồi từ bên trong.
Đối với làn da sau nặn mụn, nên ưu tiên kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ, không gây bít tắc lỗ chân lông.
4. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Sau khi nặn mụn, vùng da vừa tổn thương rất dễ bị thâm do tia UV từ ánh nắng mặt trời. Việc bảo vệ da khỏi tác hại này là vô cùng quan trọng. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, phù hợp với làn da nhạy cảm. Che chắn cẩn thận với khẩu trang, mũ rộng vành, kính râm để hạn chế da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Lưu ý, nếu da còn quá nhạy cảm, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng kem chống nắng.
5. Tăng cường một số dưỡng chất phục hồi da sau nặn mụn
Da sau nặn mụn cần được cung cấp dưỡng chất để thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi. Ví dụ như:
- Bổ sung vitamin C và E: Vitamin C giúp làm sáng da, mờ vết thâm, trong khi đó, vitamin E hỗ trợ quá trình lành sẹo.
- Sử dụng serum chứa hoạt chất phục hồi: Các sản phẩm chứa niacinamide, peptide hoặc hyaluronic acid là lựa chọn lý tưởng.
Ngoài ra, tránh thức ăn cay nồng, chất kích thích và duy trì một lối sống thoải mái để hỗ trợ quá trình lành vết thương, ngăn chặn mụn tái phát.
6. Hạn chế trang điểm trong giai đoạn phục hồi
Việc thoa kem nền hoặc kem che khuyết điểm trực tiếp lên vùng da chưa lành có thể khiến lỗ chân lông bị bít tắc, làm chậm quá trình phục hồi da. Nếu cấp thiết, bạn nên thoa trước một lớp gel hoặc kem trị mụn để đóng lại vết thương rồi mới trang điểm.
Cùng với đó, hãy tẩy trang kỹ càng bằng các sản phẩm phù hợp để loại bỏ lớp trang điểm mà không gây tổn thương thêm cho da.
7. Tái khám nếu có dấu hiệu bất thường
Trong một số trường hợp, da xuất hiện các vấn đề như sưng đỏ kéo dài, đau nhức, hoặc mụn tái phát sau nặn. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc phản ứng bất thường, cần được xử lý bởi bác sĩ da liễu.
Lưu ý không tự ý dùng thuốc. Việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc kem bôi không phù hợp sẽ làm tình trạng tệ hơn.
8. Ngăn sẹo hình thành
Sau khi mụn đã se và khô lại, hãy sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa thâm, sẹo. Các sản phẩm chứa arbutin, axit kojic hoặc retinol có khả năng làm đều màu da.
Massage nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn máu, hỗ trợ quá trình tái tạo da. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để chọn kem trị thâm, trị sẹo hiệu quả.
Nha đam có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, đẩy nhanh tiến trình lành sẹo.
9. Các biện pháp hỗ trợ tự nhiên
Bạn có thể áp dụng những biện pháp thiên nhiên sau tại nhà để chăm sóc da sau nặn mụn:
– Nha đam: Nha đam có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, đẩy nhanh tiến trình lành sẹo. Lấy phần gel nha đam rửa sạch rồi để tủ lạnh, sau đó đắp lên vùng da mụn.
– Tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà chống lại vi khuẩn, làm giảm sưng, tránh kích ứng da. Trộn 2 giọt tinh dầu với hai giọt nước sạch rồi dùng bông chấm lên nốt mụn, để trong 20 phút, lau sạch nhẹ nhàng.
– Mật ong: Mật ong giúp giảm viêm, sưng đỏ da sau mỗi lần nặn mụn. Bạn bôi trực tiếp mật ong nguyên chất lên da, để khoảng 15-20 phút rồi rửa sạch.
– Nghệ tươi: Nghệ tươi giúp tái tạo, chăm sóc da, loại bỏ tế bào chết một cách hiệu quả. Thoa nghệ tươi lên da cũng là cách chăm sóc da sau khi nặn mụn được nhiều chị em áp dụng. Tuy nhiên, hãy đảm bảo da bạn không bị kích ứng với bất kỳ nguyên liệu nào trước khi sử dụng.
Nguồn : bau.vn