Chườm lạnh cơ thể, uống các loại nước muối loãng, nước sắn dây, mía, bí xanh… là mẹo trị say nắng, sốc nhiệt hiệu quả.
Tình trạng say nắng thường xảy ra khi một người lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Nhiệt độ ngoài trời quá cao và ánh nắng gay gắt mùa hè chiếu thẳng và liên tục vào vùng cổ gáy – trung tâm điều hòa thân nhiệt, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt và gây mất nước cấp.
Biểu hiện dễ thấy nhất khi say nắng là tăng thân nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi, cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không được bù nước kịp thời, cơ thể giảm khối lượng tuần hoàn, gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Ngoài ra, tăng thân nhiệt cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan tim mạch, hô hấp, thần kinh…
- Chườm đá
Việc cần làm ngay khi gặp người bị say nắng, nếu chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế là nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân. Bằng cách chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Sau đó cởi bỏ bớt quần áo, cho họ uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da, như nách, bẹn, cổ.
Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
- Cho uống các loại nước bù khoáng
Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân được truyền bù nước và điện giải và các biện pháp hỗ trợ khác, tùy vào tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các loại nước uống đơn giản. Ví dụ, lấy bột sắn dây hòa với nước đun sôi để nguội, thêm đường uống giúp cơ thể người say nắng dịu mát hơn. Có thể dùng các loại quả: giã một miếng bí xanh, đã gọt vỏ, lấy nước cốt, cho thêm chút muối; dùng một quả mướp đắng tươi bỏ ruột, nấu nước uống; uống nước ép cam, dưa hấu, dưa chuột, nước mía. Lá tía tô, lá mã đề vò nát, pha đặc với nước rồi uống cũng sẽ giúp giải nhiệt, giải say nắng nhanh.
Để phòng say nắng, say nóng mùa hè, bác sĩ khuyên người dân không làm việc, đi lại, chơi thể thao… quá lâu ngoài trời nắng, hoặc trong môi trường nóng bức. Uống nhiều nước. Luôn trang bị quần áo bảo hộ lao động, mũ, kính khi lao động dưới nắng.
Nguồn : bau.vn