Bàn chân tuy ở vị trí thấp nhất của cơ thể nhưng chứa nhiều huyệt đạo và hơn 60 huyệt vị. Ngâm chân không chỉ là cách bảo vệ sức khỏe mà còn giúp giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ.
Theo Y học cổ truyền, bàn chân có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan nội tạng trong cơ thể như thận, lá lách, bàng quang… thông qua các đường kinh, đường lạc dưới bàn chân.
Khi cơ thể có vấn đề ở bộ phận nào, ấn vào phần tương ứng với lòng bàn chân sẽ thấy cảm giác đau. Vì vậy, để tăng cường sức khỏe cũng như kéo dài tuổi thọ của bản thân, người ta thường chú trọng đến xoa bóp, bấm huyệt và ngâm chân.
Tác dụng:
- Kích thích khí và máu đi xuống, từ đó làm giảm mệt mỏi căng thẳng, giúp bạn cải thiện giấc ngủ.
- Tác động đến các huyệt đạo và thúc đẩy tuần hoàn máu.
- Cải thiện tình trạng da, làm đẹp da và dưỡng da tốt hơn.
- Phòng ngừa các bệnh cúm theo mùa, làm giảm tình trạng đau đầu do căng thẳng.
Một số công thức nước ngâm chân
1. Ngâm chân với muối trắng
Phương pháp ngâm chân đơn giản này là cách để các bạn thư giãn sau ngày dài làm việc, tạo cảm giác thoải mái và ngủ ngon. Muối có tác dụng trị các bệnh ngoài da, khử mùi, giảm đau do viêm khớp nếu có.
Cách làm
Bước 1: Sử dụng 1.5 lít nước ấm khoảng 50- 60 độ C hòa tan với 20gram muối hạt. Sau đó, đổ vào thùng hay chậu ngâm sao cho lượng nước trên mắt các chân.
Bước 2: Trong khi ngâm thực hiện một vài động tác massage bàn chân, làm sạch chân. Ngâm đến khi nước nguội lại thì dừng.
2. Sử dụng nước gừng tươi
Gừng có tác dụng giữ ấm cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu. Đặc biệt, nước gừng ngâm có tác dụng trị chứng lạnh chân tay do cơ thể không cung cấp đủ máu tới các cơ quan này. Vì vậy, ngâm bằng nước gừng làm tuần hoàn máu lưu thông, giảm tình trạng lạnh chân tay. Ngoài ra, gừng thơm còn có tác dụng khử mùi chân.
Cách làm
Bước 1: Cho gừng đập đập vào miếng vải thưa sau đó buộc chặt lại. Lưu ý sử dụng khăn xô hoặc vải thưa để gừng tiết ra tinh chất khi gặp nước nóng.
Bước 2: Chuẩn bị thau nước ấm để ngâm, cho 1 nhúm muối trắng, thả túi gừng đã chuẩn bị vào và ngâm. Ngâm chân theo cách này hiệu quả trong việc bổ dương, loại bỏ khí lạnh ra khỏi cơ thể.
3. Ngâm chân với dầu khuynh diệp giảm căng thẳng
Dầu khuynh diệp có tác dụng làm giảm căng thẳng, stress công việc. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn nên tái tạo năng lượng bằng cách ngâm chân này.
Cách làm: Chuẩn bị thau nước ấm để ngâm chân cùng với 10-12 giọt dầu khuynh diệp, ngâm trong vòng 20-30 phút để đạt hiệu quả.
4. Công thức ngâm với sả tươi
Sả chứa nhiều tinh dầu, mùi thơm nhẹ nhàng và dễ chịu. Ngâm chân với sả sẽ giúp tinh thần thư thái, giấc ngủ được ngon hơn, trị ho, cảm cúm khi thời tiết giao mùa.
Cách làm
Bước 1: Đập dập 5 nhánh sả tươi.
Bước 2: Cho sả tươi vào 1.5 lít nước ấm, nhiệt độ tùy chỉnh theo cảm nhận từng người. Ngâm đến khi nước nguội và xoa bóp nhẹ nhàng.
Lưu ý cần quan tâm
Thời gian ngâm chỉ nên duy trì trong 20-30 phút là vừa đủ. Nên ngâm trước khi đi ngủ từ 30 phút đến 1 tiếng.
Nhiệt độ tùy theo cảm nhận cơ thể, không nên nóng quá sẽ khiến bị bỏng.
Khi ngâm chân quấn thêm khăn sẽ giúp máu ở chân lưu thông tốt hơn, tuy nhiên không bắt buộc.
Không nên ngâm luôn sau bữa ăn, nên sau giờ ăn khoảng 1 tiếng. Đồng thời cũng không nên ngâm lúc đói.
Những người bị bệnh tiểu đường, giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch, có vết thương hở ở chân, bệnh nhân say rượu, tâm thần không nên ngâm chân.
Khi ngâm thấy cơ thể ấm lên, cảm giác ra mồ hôi nghĩa là có tác dụng. Lúc này bạn nên uống thêm 1 cốc trà gừng, nóng nóng hay bất cứ loại nước ấm để giữ nhiệt cho cơ thể.
Thói quen ngâm chân rất tốt cho cơ thể, nếu không thể làm thường xuyên, bạn có thể thực hiện 2-3 lần/tuần.
Nguồn : bau.vn