Nguyên nhân khiến bạn hay cáu gắt và cách điều trị

Cảm giác khó chịu và dễ cáu gắt có thể liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Tìm hiểu và điều trị đúng nguyên nhân cáu gắt sẽ giúp bạn mau chóng cân bằng lại cảm xúc.

Cảm giác khó chịu, dễ gắt gỏng ở một người thường phát sinh bởi nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất có thể là 6 vấn đề như sau:

1. Áp lực cuộc sống đè nặng khiến bạn dễ cáu gắt với mọi người

Áp lực cuộc sống khiến bạn dễ cáu gắt với mọi người

Chịu đựng áp lực đè nặng lên tinh thần trong thời gian dài có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn bình thường. Từ đó, những trạng thái tiêu cực như cáu gắt có nhiều khả năng bộc phát. Căng thẳng trong cuộc sống thường gắn liền với công việc, học tập, gia đình hoặc chấn thương. Một người trải qua cuộc sống căng thẳng có thể gặp khó khăn trong việc quản lý tâm trạng. Nếu tình trạng trên kéo dài, bạn có nguy cơ bị chai sạn về mặt cảm xúc.

Ngoài ra, một cuộc sống đầy áp lực cũng là nguyên nhân khiến bạn trở nên ít khoan dung hơn với những người xung quanh. Điều này khiến các mối quan hệ dễ rạn nứt.

2. Trầm cảm và những tâm trạng tiêu cực đi kèm

Tình trạng sức khỏe này có thể dẫn đến hàng loạt cảm xúc tiêu cực như buồn bã, mệt mỏi và khó chịu. Thêm vào đó, một trong những triệu chứng sớm của trầm cảm là dễ cáu gắt.

Theo một số nghiên cứu, trạng thái dễ cáu gắt thường phát sinh trong trường hợp trầm cảm ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Ngoài ra, nó còn thường đi chung với:

  • Cảm giác hung hăng
  • Chấp nhận rủi ro lớn (liều mạng)
  • Lạm dụng chất gây nghiện

Bạn nên tìm gặp bác sĩ để điều trị trầm cảm nếu bắt gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây kéo dài hơn hai tuần:

  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng
  • Mất hứng thú với những thú vui bình thường
  • Mệt mỏi
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc ghi nhớ
  • Đau đầu
  • Hệ tiêu hóa có vấn đề
  • Thay đổi đột ngột về cân nặng hay cảm giác thèm ăn

3. Lo lắng quá nhiều cũng dẫn đến cáu gắt

Lo lắng quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ cáu gắt

Thông thường, cảm giác lo lắng xuất hiện nhằm đáp lại những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Triệu chứng trên sẽ kéo dài cho đến khi áp lực biến mất. Tình trạng này có nguy cơ ảnh nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh cuộc sống thường ngày của một người, chẳng hạn như:

  • Hiệu suất công việc
  • Hoạt động hàng ngày
  • Mối quan hệ cá nhân

Mặt khác, nếu trạng thái lo lắng quá mức kéo dài từ nửa năm trở lên, bạn có nhiều nguy cơ mắc phải chứng rối loạn lo âu toàn thể (GAD). So với những tình trạng rối loạn lo âu khác, dấu hiệu của bệnh GAD có thể gồm:

  • Hay cáu gắt
  • Nhịp tim nhanh
  • Hô hấp yếu
  • Căng cơ
  • Khó tập trung và đưa ra quyết định
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có nguy cơ trải qua cơn hoảng loạn, tình trạng sợ hãi mãnh liệt dẫn đến những phản ứng vật lý nghiêm trọng. Tác nhân gây hoảng loạn ở mỗi người sẽ khác nhau, thậm chí đôi khi nguyên nhân không rõ ràng.

Những người từng trải nghiệm cảm giác hoảng loạn sẽ vô cùng lo lắng về việc tình trạng này có thể tái phát. Lúc này, họ có xu hướng làm mọi cách để ngăn chặn điều đó xảy ra. Chính vì vậy, người bệnh sẽ cảm thấy quá sức và dễ cáu gắt trước bất kỳ thứ gì làm phiền họ.

4. Nguyên nhân cáu gắt: không thể không nhắc đến chứng ám ảnh sợ hãi

Thuật ngữ ám ảnh mô tả nỗi sợ hãi hoặc ác cảm mãnh liệt đối với một đối tượng, có thể là người, vật hoặc tình huống nhất định. Suy nghĩ nhiều hoặc tiếp xúc với tác nhân gây ám ảnh có nguy cơ khiến bạn cảm thấy dễ hoảng loạn, khó chịu và cáu gắt hơn bình thường.

Những người mắc chứng ám ảnh sợ hãi có thể cảm thấy lo lắng về một số yếu tố như:

  • Bay
  • Độ cao
  • Kim tiêm
  • Máu
  • Ngoài trời
  • Tình huống xã hội
  • Động vật

5. Thiếu ngủ: nguyên nhân gây cáu gắt hàng đầu

không ngủ đủ giấc (thiếu ngủ) thường dẫn đến cảm giác khó chịu, gắt gỏng. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị kích động và bộc lộ cảm xúc khác thường nếu ngủ không đủ giấc.

Nguyên nhân thiếu ngủ có thể xuất phát từ những rối loạn giấc ngủ, ví dụ như chứng mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Nếu rơi vào các trường hợp trên, bạn có xu hướng tỉnh giấc vào giữa đêm và khó ngủ lại.

6. Mất cân bằng nội tiết tố gây thay đổi tâm trạng

Người bị mất cân bằng nội tiết tố có thể bộc lộ nhiều triệu chứng vật lý và tinh thần khác nhau, điển hình nhất là sự khó chịu và dễ cáu gắt. Các tình huống căng thẳng, chế độ dinh dưỡng kém và thiếu ngủ là những yếu tố trực tiếp gây nên sự rối loạn hormone.

Làm thế nào để đối phó với tình trạng cáu gắt, khó chịu?

Cách điều trị tình trạng cáu gắt

Để chấm dứt tình trạng khó chịu và cáu gắt, bạn cần xác định rõ nguyên nhân. Điều trị đúng nguyên nhân sẽ nhanh chóng xóa bỏ những triệu chứng như trên.

Đối với những vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, bác sĩ sẽ kê toa một số thuốc chống trầm cảm cho bạn. Ngoài ra, trải lòng cùng một chuyên gia tâm lý cũng giúp giảm bớt một số triệu chứng như sợ hãi, lo lắng hoặc khó chịu. Nếu bạn dễ cáu gắt do mất cân bằng nội tiết tố, thay đổi chế độ ăn uống và điều chỉnh lối sinh hoạt cần được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn liệu pháp hormone để điều trị. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng biện pháp này không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Do vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định bổ sung nội tiết tố.

Tâm trạng không tốt, chẳng hạn như khó chịu và dễ cáu gắt, có nguy cơ khiến chất lượng cuộc sống của bạn đi xuống. Vì vậy, nếu nhận thấy những cảm xúc tiêu cực thường xuyên bộc lộ, bạn nên nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ y tế từ các chuyên gia trị liệu tâm lý.

Nguồn : sức khỏe cộng đồng