Nguyên nhân và cách điều trị béo phì ở trẻ em

Thừa cân béo phì ở trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ béo phì là gì? Hãy cùng Bau.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ đang là vấn đề thách thức trên toàn cầu. Tỷ lệ trẻ béo phì ở các thành phố lớn như HCM và Hà Nội lần lượt đạt mức trên 50% và 41% (theo kết quả điều tra năm 2014 – 2015 của Viện Dinh dưỡng Việt Nam), tăng rất nhiều so với tỷ lệ trẻ béo phì năm 1996 là 12%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ béo phì

Béo phì nguyên phát

Do mất cân bằng năng lượng: Tăng lượng thu vào nhiều hơn nhu cầu của cơ thể hoặc/và giảm lượng tiêu hao trong thời gian dài làm tăng tích tụ mỡ trong cơ thể đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai.
Dạng béo phì đơn thuần thường gặp ở những trẻ béo phì háu ăn, ít hoạt động và giảm chuyển hoá thân nhiệt. Trẻ béo phì thường cao hơn ở lứa tuổi trước dậy thì, nhưng lâu dài trẻ ngưng tăng trưởng sớm và có chiều cao trung bình thấp ở tuổi trưởng thành.

Béo phì thứ phát

Béo phì thứ phát thường gặp trong các bệnh lý nội tiết, bệnh lý di truyền, do dùng thuốc,…

  • Béo phì do suy giáp trạng: Béo toàn thân, lùn, da khô và thiểu năng trí tuệ.
  • Béo do cường năng tuyến thượng thận (U nam hoá vỏ tượng thận): Béo bụng, da đỏ có vết rạn, nhiều trứng cá, huyết áp cao.
  • Béo phì do thiểu năng sinh dục: Thường gặp trong 1 số hội chứng: Prader-Willi béo bụng, lùn, thiểu năng trí tuệ và hay gặp tinh hoàn ẩn. Lorence Moon Biel béo đều toàn thân, đái nhạt, thừa ngón và có tật về mắt
  • Béo phì do các bệnh về não: Thường gặp do các tổn thương vùng dưới đồi, sau di chứng viêm não. Béo thường có kèm theo thiểu năng trí tuệ hoặc có triệu chứng thần kinh khu trú.
  • Béo phì do dùng thuốc: Uống Corticoid kéo dài trong điều trị bệnh hen, bệnh khớp, hội chứng thận hư hoặc vô tình uống thuốc đông y có trộn lẫn corticoid để điều trị chàm, dị ứng và hen. Đặc điểm béo của hội chứng Cushing, béo bụng là chủ yếu và không tìm thấy nguyên nhân trừ khai thác bệnh sử có sử dụng thuốc corticoid.

Các yếu tố nguy cơ béo phì

1. Tiền sử gia đình

  • Bố hoặc mẹ bị béo phì: 80% trẻ béo phì nặng có một hoặc cả hai bố mẹ cùng béo phì.
  • Cân nặng lúc sinh: Trẻ có cân nặng lúc sinh > 4 kg có nguy cơ béo phì cao hơn trẻ có cân nặng lúc sinh bình thường.

2. Thực phẩm giàu năng lượng

Thức ăn nhiều chất béo (mỡ, da, phủ tạng, thức ăn chiên xào, quay, thức ăn nhanh), thức ăn thức uống ngọt (chè, bánh kẹo ngọt, nước có đường, trái cây quá ngọt,…).

3. Thiểu năng trí tuệ

Trẻ bị thiểu năng trí tuệ có bản năng kiểm soát thói quen ăn uống, nhận biết cảm giác no kém nên dễ dẫn đến ăn quá mức và ăn không biết no. Ngoài ra, khả năng giao tiếp xã hội bị hạn chế trẻ ít có cơ hội chơi đùa, vận động nên thường tìm đến ăn để tự tiêu khiển cho bản thân.

4. Vận động thể lực ít

Trẻ có lối sống tĩnh tại như ít vận động thể lực, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi game, đọc sách báo,.. thường có thói quen ăn vặt thường tiêu hao nặng lượng ít trong khi thu nạp năng lượng vượt mức nhu cầu, lâu dài dễ dẫn đến tình trạng béo phì.

Điều trị trẻ béo phì

Chế độ ăn uống cho trẻ béo phì

  • Tuyệt đối không nhịn ăn, giảm cung cấp năng lượng bằng cách cho ăn độn, hoặc dùng thức ăn thay thế.
  • Cung cấp đủ calci, vitamin, khoáng chất cho phát triển bình thường của cơ thể.
  • Hạn chế thức ăn giàu năng lượng rỗng, đồ ăn vặt giàu đường, béo (kem, váng sữa, snack, thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh, bánh ngọt, kẹo …). Cho ăn vặt thay thế bằng các thức ăn có lợi như trái cây, yogurt ít béo, yogurt ít béo trộn kèm với trái cây…
  • Hạn chế nước ngọt, nước có gas. Thay bằng nước lọc, nước uống thông thường, sữa tách béo 1 phần (1% béo) hoặc sữa không béo.
  • Giảm tinh bột, béo, ngọt trong phần ăn.
  • Giảm kích thước dụng cụ đựng thức ăn: thay tô bằng chén, dĩa nhỏ, ly … (có kích thước tương đương lòng bàn tay trẻ).
  • Khuyến khích ăn ngũ cốc nguyên cám, nguyên hạt thay cho tinh bột đã chế biến, nghiền, hầm, …
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Uống nhiều nước, ăn canh hoặc rau trước bữa ăn. Ăn nhiều chất xơ (rau, trái cây ít ngọt ….)
  • Ăn nhiều vào buổi sáng, giảm vào buổi tối.
  • Ăn chậm, nhai kỹ
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, tập các thói quen lành mạnh: vận động thường xuyên, giảm ngồi một chỗ, ngủ đủ giấc
  • Cả gia đình cùng tham gia

Chế độ luyện tập cho trẻ béo phì

  • Loại hình: đi bộ nhanh, chạy bộ, thể thao vừa sức (đạp xe, bơi lội, cầu lông, bóng rổ), … thể dục nhịp điệu cường độ trung bình
  • Cường độ năng lượng tiêu hao: vận động cường độ nhẹ 90 phút, cường độ trung bình 60 phút
  • Tần suất mỗi ngày hoặc >3-4 lần/tuần
  • Thời gian: > 15 – 30 phút/lần, >60 phút/ngày

Nguồn : bau.vn