Cùng tìm hiểu nhau cài răng lược là gì, tại sao dẫn đến tình trạng này qua bài viết dưới đây của Bau.vn nhé!
1. Nhau cài răng lược nghĩa là sao?
Nhau cài răng lược là tình trạng một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bám sâu một cách bất thường vào thành cơ tử cung. Nhau cài răng lược là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con khi làm tăng nguy cơ chảy máu, là mối đe doạ đến sinh mạng của thai phụ, thai non tháng.
Nhau cài răng lược gia tăng đáng kể khả năng cắt tử cung trong và sau sanh và tử vong mẹ được báo cáo là khoảng 7%. Nhau cài răng lược thường được chẩn đoán qua siêu âm, siêu âm màu, cộng hưởng từ.
Thông thường, chảy máu âm đạo rất nhiều trong khi lấy bánh rau bằng tay sau khi sổ thai. Tuy nhiên, chảy máu có thể là rất ít hoặc không có, nhưng rau không được sổ trong vòng 30 phút sau khi sinh.
Trong khi sinh, nghi ngờ là rau cài răng lược nếu
- Rau không được sổ trong vòng 30 phút sau khi sinh.
- Cố gắng bóc rau nhưng không thể được vì không tách được bánh rau.
- Co bánh rau gây ra chảy máu với số lượng lớn.
Khi nghi ngờ rau cài răng lược, có thể phải mở bụng nếu chảy máu với lượng lớn.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất là tiền căn mổ lấy thai. Tỷ lệ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược sẽ tăng lên cùng với số lần mổ lấy thai trước đó. Cơ chế của điều này có thể do đoạn dưới tử cung ở người từng mổ lấy thai phát triển khó khăn và do đó khả năng bánh nhau “di trú” thành công sẽ ít hơn so với thai kỳ bình thường.
Tỷ lệ vào khoảng 1/2500 thai kỳ, nhưng tăng mạnh nếu thai phụ có tiền căn mổ lấy thai trước đó. Nguy cơ càng tăng nếu có kèm: tuổi mẹ cao, sinh con nhiều lần, từng có sẹo mổ trên thân tử cung, tiền sử làm thủ thuật nạo buồng tử cung, hội chứng Asherman.
Ngoài ra, nhau tiền đạo cũng là 1 yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến tình trạng bệnh này. Chúng xuất hiện ở 3% phụ nữ có nhau tiền đạo và không có tiền sử mổ lấy thai. Nếu vừa nhau tiền đạo vừa có tiền căn mổ lấy thai thì tỷ lệ càng tăng: 11% cho 1 lần mổ lấy thai, lên đến 40% nếu đã từng có 2 lần mổ lấy thai trước đó.
Các nguy cơ khác:
- Tuổi mẹ > 35
- Mang thai nhiều lần (rủi ro gia tăng khi tăng số lần đẻ)
- U xơ tử cung dưới niêm mạc
- Phẫu thuật tử cung trước, bao gồm phẫu thuật bóc u xơ
- Tổn thương nội mạc tử cung như hội chứng Asherman
3. Làm sao để giảm nguy cơ mắc nhau cài răng lược
Để phòng tránh tình trạng này, phụ nữ chúng ta cần:
- Giảm tỷ lệ mổ lấy thai không cần thiết
- Khám thai, siêu âm định kỳ để phát hiện sớm, dự trù phương pháp xử trí và lựa chọn sinh ở bệnh viện tuyến chuyên khoa nhằm hạn chế những biến chứng về sau
- Theo dõi cẩn thận sản phụ trong thời kỳ hậu sản nhằm kịp thời phát hiện chảy máu, biến chứng…
Hi vọng với bài viết này sẽ giúp các mẹ hiểu phần nào về nhau cài răng lược. Nếu trong quá trình mang thai, có điều gì bất ổn, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.
Nguồn : bau.vn