Trong cuộc sống thường ngày, có những thời điểm cơ thể có những dấu hiệu lạ: Tóc khô, rụng, lợi sưng, chảy máu, viêm da, giảm cân, khô mắt, quáng gà, chán ăn, mệt mỏi… đó có thể là những triệu chứng khi cơ thể thiếu các loại vitamin: A, B, C, E, B12, B1… Hoặc cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý toàn thân khác.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tránh thiếu hụt các loại vitamin cho cơ thể, chúng ta cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất khoáng, rau xanh, hoa quả…
Cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin nên việc bổ sung sẽ thông qua các thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Việc nhận biết cơ thể thiếu hụt vitamin hay không là không đơn giản. Để biết được chính xác cơ thể bạn thiếu hụt loại vitamin nào với mức độ ra sao, chỉ có một cách duy nhất là thực hiện các xét nghiệm.
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến giúp bạn nhận biết cơ thể mình có thể đang bị thiếu vitamin cùng với biện pháp khắc phục. Nếu có các biểu hiện này, bạn hãy gặp các bác sĩ để khám kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết.
Trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng vitamin, bạn nên gặp các bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm cần thiết, không tự ý bổ sung các loại vitamin tổng hợp mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Loét, lở miệng – có thể do thiếu vitamin B
Cơ thể bạn có thể đang bị thiếu vitamin nhóm B.
Thiếu Vitamin B2: Dễ bị loét miệng, lở môi, mệt mỏi, tóc khô…
Bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như rau xanh sẫm, sữa, thịt, cá, trong lớp vỏ cám mầm của ngũ cốc.
Mọc mụn ở má, cánh tay và đùi
Thiếu Vitamin A: Bạn dễ bị nổi mụn trứng cá, tóc khô, mệt mỏi, mất ngủ, mờ mắt về ban đêm, giảm khả năng nhận biết về mùi vị, dễ bị viêm nhiễm.
Vitamin A có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, bơ sữa, phô mai. Ở thực vật vitamin A có nhiều trong rau màu xanh đậm hoặc màu vàng, quả có màu vàng đỏ. Nên ăn rau muống, cải xanh, rau dền, rau ngót, bí ngô, xoài, gấc, cà rốt….
Thiếu vitamin A có thể gây mụn ở má, cánh tay và đùi.
Ra mồ hôi trộm nhiều, rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ – thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D gây rối loạn hấp thu canxi và phospho, có thể gây ra những biểu hiện cấp hoặc gây rối loạn lâu dài ở hệ xương răng của trẻ em cũng như còi xương, chậm liền thóp, hỏng men răng, loãng xương ở người lớn.
Đặc biệt khi thiếu canxi và vitamin D sẽ gây ra tình trạng nhiều mô hôi trộm, rụng tóc vành khăn, và ngủ không yên giấc ở trẻ nhỏ.
Tắm nắng cho trẻ là biện pháp tổng hợp vitamin D hữu hiệu nhờ tác dụng của ánh nắng mặt trời lên da. Vì vậy nên cho trẻ tắm nắng 10 phút mỗi ngày vào lúc sáng sớm, 2-3 lần/một tuần.
Cảm giác nóng rát, ngứa và tê bì ở đầu chi – thiếu vitamin B
Thiếu vitamin nhóm B có thể gây ngứa và tê bì đầu chi.
Cảm giác nóng rát, ngứa và tê bì ở đầu chi là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có thể đang thiếu vitamin nhóm B (B6, B9 và B12).
Chú ý quan trọng: Thiếu vitamin nhóm B có thể ảnh hưởng đến đầu các dây thần kinh ở dưới da. Ngoài ra, trầm cảm, mệt mỏi, kiệt sức, thiếu máu và mất cân bằng hormone cũng sẽ gây ra những triệu chứng tương tự.
Bạn nên ăn bổ sung măng tây, rau bina, các loại rau có lá xanh đậm, trứng và hải sản.
Nguồn : bau.vn