Gần đây thời tiết bắt đầu trở lạnh hơn nên một nồi lẩu ấm cúng ngồi quây quần tám chuyện cùng bạn bè, người thân sẽ là sự lựa chọn lý tưởng vào buổi tối. Nhưng trước khi có ý định ăn lẩu vào ngày lạnh, bạn nên thuộc lòng 5 lưu ý khi ăn lẩu dưới đây để bảo vệ sức khỏe an toàn.
Những lưu ý khi ăn lẩu để không ảnh hưởng đến sức khỏe:
1. Không ăn quá nhanh vì dễ gây tổn thương đường tiêu hóa
Nhiệt độ bình thường của trà và các món ăn nóng sẽ dao động ở khoảng 35 – 40 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ của nước lẩu đang sôi sùng sục lại có thể chạm mức tới 110 độ C. Chính vì vậy, các nguyên liệu vừa mới vớt ra khỏi nồi lẩu thường rất nóng. Nếu ngay lập tức cho vào miệng thì chắc chắn sẽ làm tổn thương màng nhầy của đường tiêu hóa và khoang miệng. Hậu quả là dễ gây viêm loét dạ dày nên bạn cần chú ý đợi nguội hoặc chấm chút gia vị rồi mới ăn nhé!
2. Không ăn đồ nhúng còn tái, đỏ
Khi ăn lẩu sẽ không thể thiếu những món thịt nhúng hấp dẫn như thịt bò, cá, thịt gà… Nhiều người thích vị tươi mềm nên ngay khi thả thịt sống vào nồi đã nhanh chóng gắp ra ăn ngay lúc còn tái mà không để ý xem đã chín kỹ bên trong chưa. Việc ăn thịt nhúng còn tái, đỏ rất dễ làm vi khuẩn và ký sinh trùng dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa.
Do đó, bạn cần chú ý với thịt thái mỏng thì nên nhúng trong nồi đun khoảng 1 phút để thịt chín kỹ hoàn toàn. Còn với các loại viên hay tôm, sò, ốc thì nên nhúng trên 5 phút. Tất nhiên thì bạn cũng cần đợi nồi lẩu sôi cao thì mới thả đồ nhúng vào để bảo đảm đồ ăn đã được làm nóng kỹ.
3. Không ăn lẩu rồi uống đồ lạnh cùng lúc
Lẩu chua cay thường dễ gây toát mồ hôi khi ăn nên nhiều người thường uống thêm nước lạnh để giải tỏa cảm giác nóng trong người. Tuy nhiên, cách ăn này lại dễ gây hại tới đường ruột và dạ dày. Khi ăn lẩu mà uống nước đá có thể kích thích dạ dày co bóp, giảm tiết dịch tiêu hóa và làm giảm thời lượng làm việc của men tiêu hóa, từ đó gây cản trở quá trình tiêu hóa.
4. Không dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống, đồ chín
Khi nhúng đồ ăn vào nồi lẩu, đũa thường chạm vào cả nguyên liệu sống và chín. Thậm chí, có người còn dùng chung một đôi đũa để vừa nhúng thịt sống, vừa gắp thịt chín ra ăn. Điều này rất dễ đưa vi khuẩn trong thức ăn sống đi vào khoang miệng. Vậy nên, bạn cần chú ý chuẩn bị 2 đôi đũa chuyên dùng để gắp đồ sống và đồ chín riêng khi ăn.
5. Thay nước lẩu nếu ăn lâu
Rất nhiều người cho rằng, nước lẩu là tập hợp tinh hoa từ các thực phẩm khác nhau, ngon và bổ dưỡng, nhưng thực tế không phải như vậy. Nồi lẩu sôi đi sôi lại thì vitamin và các yếu tố có lợi khác đã bị phá hủy, trong khi lượng chất béo bão hòa, natri, purine và các thành phần gây hại khác sẽ tăng cao, là nguy cơ gây béo phì, xơ vữa động mạch, gout, tiểu đường hoặc một số bệnh khác. Nếu trong lúc ăn lẩu còn uống bia, rượu thì hại càng thêm hại.
Nên uống ít nước lẩu và nên uống khi mới nấu. Khi nồi lẩu nấu quá 60 phút, nó sẽ chứa rất nhiều nitrit, nếu muốn ngồi tiếp thì nên thay nước lẩu.
Nguồn : sức khỏe cộng đồng
http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/nhung-dieu-can-luu-y-khi-an-lau-de-khong-mang-benh-vao-nguoi-a186657.html