Những vitamin mẹ bầu nào cũng nên bổ sung

Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu vitamin tăng cao so với bình thường nên cần chú ý bổ sung để cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

 

 Vitamin B6

Vitamin B6 là loại vitamin tan trong nước (thông thường sẽ phải bổ sung hàng ngày). Tuy vậy, khác với các loại vitamin khác, vitamin B6 được cơ thể tích trữ trong các mô cơ. Có ba dạng Vitamin B6 được gọi là ’pyridoxal’, ‘pyridoxine’ và ‘pyridoxamine’. Cả ba dạng này đều cần thiết để có thể giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể (protein và chất béo) diễn ra tốt hơn, kích thích quá trình tạo ra tế bào mới + hồng cầu mới, chống lại bệnh thiếu máu. Vitamin B6 cũng giúp cơ thể tạo ra bạch cầu (để bổ sung cho hệ miễn dịch của cơ thể). Vitamin B6 được coi là có ảnh hưởng tới quá trình nhận thức của não.

Rượu (và đồ uống có cồn) sẽ phá hủy Vitamin B6 trong cơ thể. Người ta cũng cho rằng một số loại thuốc tránh thai phổ biến cũng gây ra tác dụng phụ này. Mặc dù vậy, rất ít xảy ra trường hợp bị thiếu Vitamin B6 tới mức thiếu máu và làm tổn thường hệ thần kinh. Các nhà khoa học cũng đang tranh cãi về sự liên quan của Vitamin B6 với bệnh mất ngủ.

Liều lượng hàng ngày mà người trưởng thành cần hấp thụ Vitamin B6 là 1-1.5mg/ngày (tối đa là 100mg/ngày). Do đây là vitamin tan trong nước (dễ dàng thải ra ngoài qua đường nước tiểu) nên người ta ít khi gặp trường hợp bệnh nhân bị quá liều Vitamin B6. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra khá nhiều trường hợp bị tổn thương hệ thần kinh do tiếp nhận quá nhiều Vitamin B6 hàng ngày (trên 200mg/ngày).

Vitamin B6 (pyridoxine) thường được kê đơn cho các bà bầu để chống lại các triệu chứng nghén, buồn nôn, chóng mặt. Với liều lượng thấp (10-25mg/3 lần/ngày), thai nhi không hề bị ảnh hưởng. Tuy vậy, bạn không nên tự kê đơn Vitamin B6 cho bản thân mình mà cần phải có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.

Vitamin B6 có thể tìm thấy trong khá nhiều loại thức ăn như lúa mạch, khoai tây, cà chua, chuối, súp lơ, dưa hấu, bơ, sữa + sữa chua, đậu, gà, trứng, thịt bò và cá thu. Tuy vậy, thức ăn khi nấu chín sẽ bị mất đi một lượng đáng kể Vitamin B6.

Vitamin B6 với bà mẹ đang mang thai hoặc cho con bú:

Vitamin B6 được coi là có vai trò quan trọng trong việc giúp thai nhi tạo ra các tế bào mới. Tuy vậy, sử dụng quá liều Vitamin B6 trong tam cá nguyệt đầu (12 tuần đầu tiên – hơn 100mg/ngày) có thể dẫn tới việc chân, tay và hệ thần kinh của thai nhi sẽ phát triển không bình thường.

Vitamin A và sức khỏe bà bầu và thai nhi

Vitamin A là loại vitamin tan trong mỡ (không thải ra khỏi cơ thể hàng ngày). Có nhiều dạng vitamin A khác nhau thường được gọi là “retinol”, “retinal”, “retinoic acid” (thuộc họ “retinoids”) và “beta β-Carotene”. Họ retinoids là dạng thức thường thấy nhất của Vitamin A trong tự nhiên. Beta-carotene có trong các loại rau quả có màu đỏ, vàng, da cam hoặc là màu xanh đậm. Khi được đưa vào cơ thể, gan và các cơ quan nội tạng sẽ chuyển hóa beta-carotene trở thành retinol với tỷ lệ 6 beta-carotene : 1 retinol.

Vitamin A đặc biệt quan trọng cho mắt, hệ miễn dịch và sự phát triển của các tế bào vùng miệng, lưỡi, dạ dày, nội tạng, phổi, tử cung … Có tới hơn 90% lượng vitamin A trong cơ thể được chứa trong gan. Nếu một người trưởng thành bình thường dừng việc hấp thụ vitamin A thì họ cũng cần tới … 2 năm mới tiêu thụ hết lượng vitamin A chứa trong gan của mình. Sau đó, việc thiếu vitamin A sẽ gây ra các hậu quả khá nghiêm trọng liên quan tới răng và khớp trong cơ thể.

Lượng vitamin A (dạng retinol) đưa vào cơ thể hàng ngày được khuyến cáo là 750 microgram cho người trưởng thành và 500 microgram cho trẻ em. Lượng vitamin A này có thể dễ dàng lấy được thông qua các loại thức ăn bình thường và không cần phải uống thuốc thêm. Nếu đưa vào cơ thể quá nhiều vitamin A thì cơ thể sẽ rất dễ bị ngộ độc và dẫn tới các triệu chứng như đau khớp, rụng tóc, buồn nôn, đau đầu, mỏi mệt, hỏng gan… Đặc biệt, trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng này. Đối với đàn ông và phụ nữ không có bầu, lượng tối đa vitamin A có thể đưa vào cơ thể hàng ngày là 3000 microgram. Trong một vài trường hợp, ăn quá nhiều các loại rau quả có chứa beta-carotene (như cà-rốt) có thể gây ra vàng da nhưng không nguy hiểm tới sức khỏe.

Vitamin A hỗ trợ phát triển các cơ quan nội tạng của thai nhi. Đối với đàn ông, vitamin A giúp cho tinh trùng khỏe mạnh hơn còn với nữ giới sẽ giúp điều hòa việc phát triển tế bào thai nhi. Tuy vậy, đưa vitamin A liều lượng cao vào cơ thể thai phụ trong tam cá nguyệt đầu (12 tuần đầu) rất dễ gây ra sảy thai hoặc làm hỏng mắt, khuôn mặt, não, xương sống của trẻ. Do vậy, thai phụ cần phải được sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa với bấy kỳ loại thuốc nào có chứa vitamin A (ngay kể cả các loại kem bôi mặt có chứa nhiều vitamin A) để tránh tác dụng xấu cho thai nhi.

Như đã nói ở trên, vitamin A có trong các loại hoa quả + rau có màu đỏ, vàng và xanh đậm như cà rốt, cà chua, dưa hấu, xoài, mơ, bí đỏ, spinach … Vitamin A cũng có trong tôm hoặc gan cá, sữa, trứng, phô mai, kem, margarines … Vitamin A sẽ không bị mất đi trong quá trình đun nấu thức ăn thông thường.

Vitamin D cực quan trọng cho sức khỏe bà bầu và thai nhi

Trong nhiều năm nay, Khoa Nhi – Viện Hàn lâm Hoa Kỳ đã khuyên các bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ bởi trong sữa mẹ có bổ sung lượng vitamin D khổng lồ cho con. Vitamin D có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh còi xương, hoặc làm mềm xương ở trẻ. Dường như ai cũng biết vitamin D có lợi cho sự hình thành, phát triển hệ thống xương ở bé nhưng nhiều bà bầu lại bỏ qua điều này, họ không để ý tới việc bổ sung Vitamin D hợp lý trong suốt thai kỳ của mình.

Vitamin D là gì?

Vitamin D (D3) là một loại vitamin tan được trong chất béo, chúng giúp cơ thể người mẹ hấp thụ tốt nhất lượng canxi, giúp mẹ bầu tổng hợp được vitamin D từ ánh nắng mặt trời.

Thiếu hụt vitamin D trong quá trình mang thai sẽ khiến bà bầu có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật (huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu), nhiễm trùng âm đạo và thậm chí là khiến sinh non hoặc thai nhi tử vong vì thiếu chất. Đối với bào thai trong bụng, khi bà mẹ bổ sung thiếu vitamin D, bé sau này có khả năng bị nhẹ cân, sâu răng, gia tăng bệnh hen suyễn và viêm nhiễm đường hô hấp, làm mềm hộp sọ ở trẻ sơ sinh.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự thiếu hụt vitamin D ở người mẹ có thể ảnh hưởng đến điểm số phát triển trí tuệ thể chất của trẻ trong tương lai. Vì vậy, mẹ bầu hãy bổ sung vitamin D đầy đủ bởi điều này quan trọng và cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Tình trạng thiếu vitamin D phổ biến ở những phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người ăn chay, phụ nữ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và những người có da tối màu.

Bà bầu nên làm gì để biết mức độ vitamin D có trong cơ thể?

Cơ thể tạo ra vitamin D đó là khi da được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bổ sung và ăn các loại thực phẩm chứa nguồn vitamin D này. Tắm nắng là một cách để bổ sung vitamin D cho hai mẹ con tốt tuy nhiên thật khó để xác định là “bạn đã hấp thu được bao nhiêu lượng vitamin D từ ánh nắng mặt trời?”.

Điều này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề như bà bầu đang sinh sống trong mùa nào, hè hay đông?.., bạn đang ở vị trí địa lý nào?, màu sắc da của bạn…

Thêm vào đó, hầu hết các chuyên gia đều không khuyến khích chị em tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp (trừ khi trước 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều) vì nguy cơ ung thư da là có khả năng xảy ra. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên bổ sung vitamin D từ thực phẩm.

Cách duy nhất để thực sự biết mức độ vitamin D có trong người bạn hiện tại đang là bao nhiêu, thì bạn cần phải trải qua một xét nghiệm máu để chắc chắn về điều này. Số lượng vitamin D mà các chuyên gia đề nghị bà bầu hàng ngày phải hấp thu là 600 IU/ngày. Nếu đang mang thai, bạn cần phải đi kiểm tra lượng vitamin D trong máu, tại đây, các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên đúng đắn nhất về việc bổ sung vitamin D hợp lý.

Bổ sung vitamin D hợp lý

Vitamin D rất quan trọng với sức khỏe của mẹ và bé, tuy nhiên thiếu cũng dở nhưng thừa cũng không hề tốt. Thừa vitamin D sẽ khiến mẹ bầu bị buồn nôn, choáng váng, đau bụng, đi ngoài, sỏi thận, cao huyết áp…

Nhiều bà mẹ tự ý bổ sung những viên vitamin D cho mình nhưng điều này không nên khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Cách an toàn hơn cả, bà bầu nên bổ sung cho mình loại vitamin này qua thực phẩm.

Việc bà bầu bổ sung hợp lý vitamin D trong suốt thai kỳ của mình có lợi cho sự phát triển về xương của trẻ 9 năm sau đó. Chế độ ăn uống dinh dưỡng, hợp lý là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Ăn đa dạng không có nghĩa là “thích gì ăn nấy”, bà bầu nên tỉnh táo lựa chọn cho mình những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm chứa vitamin D. Bạn nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu và đặc biệt là đậu nành, hạnh nhân, cá hồi, bông cải xanh, nước cam, sữa, lòng đỏ trứng gà…

Nguồn : bau.vn