Phương pháp giáo dục Reggio Emilia nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ vào khả năng giải phóng sự sáng tạo và phát triển thế giới quan của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo để lựa chọn cho con phương pháp tốt nhất.
Nguồn gốc phương pháp Reggio Emilia
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia được nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi sáng lập. Phương pháp giáo dục này được hình thành khi xã hội Ý được xây dựng lại. Mục tiêu của Reggio Emilia là giáo dục trẻ em phát triển toàn diện các kỹ năng và giúp chúng trở thành công dân toàn cầu.
Reggio Emilia được đặt theo tên của một trong 5 thành phố lớn nhất của Ý. Sau thế chiến thứ II, thành phố Reggio Emilia phải chịu tàn phá nặng nề; không có trường học và giáo viên để dạy cho trẻ nhỏ. Với niềm hy vọng vào trẻ em được đi học, người dân nơi đây đã mang hết tất cả những gì họ có để xây dựng trường học.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ các trường học lại không có giáo viên để hướng dẫn các em. Loris Malaguzzi đã đề xướng phương pháp giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm. Ông chủ động cho phép trẻ em được tự do khám phá tìm hiểu thế giới và không có bất kì tiêu chuẩn ràng buộc trẻ nào.
Điểm nổi bật của phương pháp giáo dục Reggio Emilia
1. Lấy trẻ em làm trung tâm
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia đặt trẻ em là trung tâm trong quá trình học tập của chính chúng. Vì thế, các em có thể theo đuổi sở thích và xây dựng ý tưởng theo tốc độ của riêng của mình. Phương pháp giáo dục này cho rằng, trẻ em có nhiều cách suy nghĩ, hành động, giao tiếp khác nhau. Thông qua cách sử dụng 100 ngôn ngữ như: hội họa, kịch nghệ, âm nhạc… các em sẽ sử dụng các vật liệu này để thể hiện bản thân và tự phát triển chính mình.
2. Giáo viên và phụ huynh chính là “người thầy”
Khi nhắc đến Reggio Emilia không thể thiếu sự hỗ trợ của thầy cô và các bậc phụ huynh. Trong phương pháp giáo dục này, thầy cô và bố mẹ có vai trò là người đồng hành và hướng dẫn cho trẻ. Dù ở trường hay ở nhà, thầy cô và phụ huynh sẽ luôn tạo điều kiện để trẻ tiếp cận được các lĩnh vực hay hoạt động mình yêu thích.
Bởi trong phương pháp giáo dục Reggio Emilia, trẻ được khuyến khích tự tìm hiểu, trải nghiệm và có thể sẽ mắc lỗi để tìm được phương pháp mới tốt hơn cho bản thân. Reggio Emilia giúp trẻ tự tin vào chính năng lực của mình trước mọi vấn đề sẽ gặp trong học tập và rèn luyện mỗi ngày.
3. Môi trường giáo dục mở và tự do
Ngoài ra, phương pháp giáo dục Reggio Emilia còn hướng tới việc xây dựng một môi trường học tập mở và tự do. Các em sẽ không bị bó buộc trong không gian học tập cứng ngắc và nhàm chán. Thay vào đó, các em sẽ được học tập trong một không gian mở rộng lớn được tạo dựng cho trẻ. Trong không gian này trẻ được tiếp cận các học cụ để trải nghiệm các hoạt động và sinh hoạt thân thiện, tiện lợi.
Sự sắp đặt không gian học của phương pháp Reggio Emilia tạo nên môi trường học tập mở từ trong ra ngoài. Điều này giúp trẻ luôn có sự liên kết chặt chẽ với môi trường xung quanh. Trong môi trường học đó, trẻ em được phép khám phá, chơi và học thoải mái không bị gián đoạn, không giới hạn không gian.
Nhược điểm của phương pháp Reggio Emilia
Tuy có nhiều ưu điểm riêng biệt của phương pháp này, nhưng không tránh khỏi những điểm còn hạn chế dưới đây:
- Phương pháp giáo dục Reggio Emilia đòi hỏi không gian lớp học phải có nhiều học cụ, dự án sáng tạo và phong phú nên thường đòi hỏi chi phí cao.
- Giáo viên khi áp dụng phương pháp Reggio Emilia cần có khả năng quan sát, thấu hiểu trẻ, cởi mở và có thể dẫn dắt mà không giới hạn sự sáng tạo của trẻ. Điều này gây ra nhiều khó khăn hơn cho giáo viên so với việc dạy các giáo trình được xây dựng sẵn.
- Phương pháp giáo Reggio Emilia có thể không phù hợp với một số trẻ có xu hướng thích học theo sự hướng dẫn của giáo viên. Những trẻ nhỏ này thường có thế mạnh về cách suy nghĩ chặt chẽ, luôn có nguyên tắc cao. Vì thế, trẻ nhỏ này có thể sẽ hứng thú với chương trình giảng dạy có lộ trình rõ ràng và ít tính ngẫu hứng hơn.
Tóm lại, Reggio Emilia là một trong những phương pháp giáo dục sớm được nhiều trường học và phụ huynh ứng dụng cho trẻ em mầm non cũng như tiểu học. Tuy nhiên, bất kì phương pháp dạy học nào cũng có những mặt ưu và nhược điểm khác nhau. Phương pháp này cũng tồn tại cả hai mặt ưu điểm và nhược điểm. Vì thế, bố mẹ chỉ cần tìm hiểu và chọn cho con mình một phương pháp phù hợp nhất nhé.
Nguồn : bau.vn