Ý thức về cảm xúc của bạn
Tiến sĩ Lionbeng, bác sĩ lâm sàng tại Bệnh việc St. Boniface, chuyên viên về tâm lí học sức khỏe phụ nữ, nói rằng có rất nhiều thai phụ cảm nhận được chỉ số cảm xúc tăng vọt trong thời kì mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên và ba tháng cuối của thai kì. Sự thay đổi ấy có thể bắt nguồn từ những lí do như nội tiết tố trong cơ thể các bà bầu tăng lên vào thời kì mang thai. Với nhiều phụ nữ, sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến các triệu chứng giống với triệu chứng tiền kinh nguyệt, thường liên quan đến tâm trạng, cảm xúc. Thêm một thực tế là cơ thể của các bà bầu trong giai đoạn này có một sự thay đổi toàn diện, đặc biệt là đối với những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Ba tháng đầu tiên thường được coi là ba tháng quan trọng nên nhiều bà bầu cảm thấy căng thẳng cho tới khi đi qua được khoảng thời gian này (đặc biệt là với những ai đã từng bị sẩy thai).
Vì những lí do đó, bạn không nên quá thắc mắc nếu cảm thấy bản thân mình cũng có những biểu hiện tương tự như lo lắng, cáu kỉnh vô cớ quá độ trong thời kì này. Tuy nhiên, biết chăm sóc bản thân mình cũng có thể giúp cho các bà bầu thay đổi tâm trạng theo hướng tích cực hơn, giúp họ tăng thêm khả năng dẻo dai và khả năng chịu đựng. Tiến sĩ Lionberg khuyên rằng bạn cần phải đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, đầy đủ, được ngủ đủ giấc và có khả năng quản lí căng thẳng của mình.
Hơn cả cảm xúc
Tiến sĩ Lionberg cho hay, mặc dù những thay đổi tâm trạng như chán nản, lo lắng đều là những cảm xúc bình thường của thai phụ, nhưng nếu bạn quá bị phụ thuộc và chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực ấy thì đó là điều không nên. Nếu bạn nhận thấy rằng các triệu chứng này đang hoạt động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mình và bạn không thể tìm thấy bất cứ niềm vui hoặc sự bình an nào từ tâm trạng của bản thân, đó chính là những dấu hiệu “báo động đỏ” của việc trầm cảm quá độ trong thời kì thai nghén. Lúc này, bạn cần tới gặp các chuyên gia tâm lí hoặc các bác sĩ ngay lập tức.
Điều quan trọng cần phải lưu ý là bạn rất có thể bị trầm cảm nếu trước đó bạn đã từng trải qua vấn đề này, hoặc gia đình bạn đã có người từng bị trầm cảm, đặc biệt hơn là ở thời kì thai nghén cũng như thời điểm sau khi sinh. Tâm trạng của bạn rất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến bào thai trong bụng bởi bản thân người mẹ bị trầm cảm thường khó có thể chăm tốt cho bản thân mình.
Ngoài tầm kiểm soát
Sống với những người bị stress nặng đúng là những tình huống dở khóc dở cười cho cả người trong cuộc và cả những người thân. Nhiều đức lang quân cảm thấy hụt hẫng khi bỗng dưng vợ mình thay đổi và thường tỏ ra cáu giận vô cớ với chồng. Khi những biến cố qua đi, nhiều bà vợ đều cảm giác tội lỗi thái độ với ông xã trước đó, nhưng quả thực họ không hề cố tình và không thể kiểm soát nổi bản thân.
Với những trường hợp này, tiến sĩ Lionberg khuyên những người vợ nên có một buổi trò chuyện chân thành với chồng mình, hãy chọn thời điểm bản thân cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất. Trong buổi nói chuyện, bạn nên “trình bày” với ông xã về những cảm xúc thay đổi bất thường của bản thân, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực để ông xã hiểu và thông cảm cho bạn. Khi đã thực sự hiểu nhau, chúng ta có thể thông cảm và bỏ qua cho nhau những cảm xúc tiêu cực mà chính những người trong cuộc không thể kiểm soát nổi.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn