Những điều người phụ nữ cần kiêng kỵ sau đẻ trong dân gian nước ta trước đây rất nhiều, có điều đúng nhưng cũng có điều chưa đúng với nhận thức khoa học vệ sinh, gìn giữ sức khỏe ngày nay. Chúng ta hãy thử xem một số điều nêu lên dưới đây:
Chế độ ăn uống
Người phụ nữ sau đẻ vì phải tiết sữa nuôi con nên sau khi sinh ít ngày, khi cơ thể dần dần hồi phục thì họ ăn rất khỏe. Đã có câu “ăn đến thủng nồi, trôi rế” để nói về đặc điểm này. Quan niệm dân gian không ngăn cấm ăn nhiều là đúng nhưng lại đưa ra nhiều món ăn phải kiêng khem, chỉ khuyến khích bà mẹ ăn cơm với nước mắm chưng, cùng lắm là cho ăn thêm quả trứng luộc. Không kiêng khem như thế, người già cho biết người mẹ sau này khi lớn tuổi sẽ mắc nhiều bệnh tật, đặc biệt là hay “óm bụng” và tiêu chảy (tháo dạ). Vì thế hầu như bà mẹ sau đẻ không được ăn thịt, cá, tôm, cua; các loại rau củ quả cũng hạn chế; chỉ có rau ngót được cho là “lành”. Thực tế, giai đoạn sau đẻ bà mẹ cần được hồi phục sức khỏe cho mình lại phải chăm sóc nuôi con, cho con bú nên lúc này họ cần ăn nhiều và thức ăn cần đa dạng để cung cấp đủ các chất đạm, đường, mỡ, muối khoáng và vitamin cho cả mẹ và con. Trên thực tế không cần kiêng khem bất cứ thực phẩm nào bà mẹ ưa thích nếu các thức ăn đó đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, được “ăn chín, uống sôi”, không lẫn chất độc hại và không có độ cồn (rượu). Nếu quan sát rộng ra nhiều vùng miền, chúng ta thấy việc bắt bà mẹ ăn uống kiêng khem sau đẻ là không hợp lý vì ở nơi này một món ăn nào đó cần kiêng thì nơi khác lại cho là “lành” có thể ăn được và ngược lại.
Chế độ gìn giữ vệ sinh thân thể
Theo phong tục tập quán, tại hầu hết các vùng, nhất là miền xuôi, bà mẹ sau đẻ phải luôn mặc áo quần dày để giữ ấm, không được tắm ngay vì cho rằng sau đẻ bị lạnh và tắm rửa sớm lúc về già sẽ bị nóng và lạnh hơn so với mọi người, bị nổi gân xanh trên da…Việc cần giữ ấm sau khi đẻ, nhất là về mùa rét là điều đúng và rất cần thiết để tránh các bệnh do nhiễm lạnh, lại rất dễ mắc khi cơ thể bà mẹ đã suy yếu do mất sức, mất máu trong quá trình sinh đẻ. Tuy vậy, nhiều gia đình bắt bà mẹ mới đẻ phải mặc nhiều áo quần, thậm chí cả áo len vào mùa hè nóng nực khiến mồ hôi ướt đẫm cả người thì lại là điều có hại. Việc tắm rửa cũng phải được các bà mẹ thực hiện thường xuyên sau đẻ. Cần phải rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch và thay băng vệ sinh nhiều lần mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn hậu sản. Việc tắm gội có thể thực hiện vào ngày thứ hai hoặc ba sau đẻ, không nên kiêng kéo dài hàng tháng như các bà mẹ lớn tuổi khuyên bảo con cháu mình. Trên thực tế nhóm bác sĩ chúng tôi đã tiếp xúc và ủng hộ phong tục của dân tộc Dao ở vùng cao. Ở đây, sau khi người phụ nữ sinh con, người chồng đã vào rừng tìm lá thơm, lá thuốc đem về đun nước cho vợ tắm ngay những ngày đầu sau đẻ.
Ở nước ngoài, phụ nữ mới đẻ đã tắm ngay buổi chiều hoặc vào hôm sau ngày đẻ. Tất nhiên khi tắm sau đẻ các chị cần tắm bằng nước nóng, nên tắm trong nhà tắm kín gió, không nên tắm ngâm trong bồn và không tắm lâu, chỉ nên trong khoảng 10 phút mỗi lần. Tắm hàng ngày hoặc cách ngày là chuyện nên làm. Việc nổi gân xanh trên da khi người phụ nữ lớn tuổi là do chế độ ăn uống không đủ chất khiến người gầy sút hoặc do tạng người gày yếu mà thôi. Có người nào béo mà da bị nổi gân xanh đâu!
Các sinh hoạt hàng ngày khác
Trong dân gian cũng thường yêu cầu bà mẹ mới sinh phải bịt tai (thường là nhét bông vào 2 lỗ tai) để sau này không bị ù tai, phải đeo kính râm khi ra ngoài nắng, không được xem vô tuyến truyền hình, không được đọc sách báo những ngày đầu sau sinh vì sẽ bị chảy nước mắt và hại mắt về sau hoặc nếu nói nhiều sau đẻ thì sau này bị “nói nhịu” v.v… Những điều nói trên đều có lý khi người phụ nữ sau đẻ có những hoạt động đó quá mức vì cơ thể của họ vừa phải trải qua cuộc “vượt cạn” vô cùng cực nhọc và gian khổ ngay cả khi không có biến chứng gì. Những âm thanh quá lớn và liên tục, việc phải nhìn ra ngoài nắng chói chang hoặc theo dõi hình ảnh truyền hình trong nhiều giờ với bà mẹ sau đẻ đều không có lợi cho sức khỏe toàn thân cũng như của các bộ phận trực tiếp thu nhận của các giác quan đó. Tuy vậy nói là “cấm” không được thì là điều thái quá. Tóm lại, vấn đề là nên có mức độ, không thể sinh hoạt, hoạt động như khi chưa có thai và sinh đẻ.
Trên đây là một số điều trao đổi với các bà mẹ sau đẻ, mong được các bạn quan tâm để bản thân chóng phục hồi sức khỏe và có sữa đày đủ nuôi cháu bé.
Bác sĩ Phó Đức Nhuận
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn