Ở Mỹ, cứ 59 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ mắc chứng tự kỷ. Theo ước tính, tự kỷ chiếm khoảng 1% quần thể. Rối loạn phổ tự kỷ là tình trạng bệnh lý làm suy yếu hành vi, khả năng giao tiếp và tương tác với người khác. Rối loạn phổ tự kỷ có thể nhẹ hoặc nặng. Tuy nhiên nhìn chung đây là một căn bệnh đáng báo động cần được quan tâm trong xã hội.
Thế nào là rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ?
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Ngoài các biểu hiện nêu trên, trẻ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên lo lắng, bồn chồn…
Một số nguyên nhân thường gặp
Nguyên nhân cụ thể của tự kỷ còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố gen, môi trường hoặc là kết hợp giữa gen – môi trường là nguyên nhân gây tự kỷ. Mặc dù cũng có báo cáo chỉ ra rằng các điều kiện kinh tế – xã hội cũng có liên quan tới tỉ lệ mắc tự kỷ. Cho tới nay, các nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng hơn 1000 gen mang biến đổi được cho là có liên quan tới tự kỷ.
Nhìn chung, xét nghiệm gen có thể tìm thấy khoảng 25% số ca mắc tự kỷ là có liên quan tới gen. Các gen mang biến đổi di truyền thông thường liên quan tới quá trình truyền dẫn thần kinh. Cơ chế bệnh sinh của tự kỷ là phức tạp và còn chưa được hiểu một cách rõ ràng.
Một số yếu tố được xem là làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ như: tuổi bố, mẹ cao; có các vấn đề khi mang thai và sinh con (ví dụ như đẻ non, nhẹ , đa thai…). Có một số ý kiến cho rằng tiêm vắc-xin là nguyên nhân gây tự kỷ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chi tiết với bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng đây là thông tin không chính xác. Vắc-xin không gây chứng tự kỷ.
Loạt biểu hiện của chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ
Khi trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ có biểu hiện triệu chứng thời thơ ấu. Đôi khi các triệu chứng không xuất hiện cho đến tuổi đi học.
1. Những biểu hiện liên quan đến giao tiếp xã hội
Trẻ em bị tự kỷ thường gặp rắc rối liên quan đến giao tiếp. Trẻ thường không biết cách đọc biểu cảm trên khuôn mặt và có xu hướng tránh giao tiếp bằng mắt. Thêm vào đó, trẻ thường không thích bị chạm vào. Nhiều trẻ nhỏ bị rối loạn phổ tự kỷ không thích chơi hoặc tương tác với người khác.
Một biểu hiện khác là trẻ thường mất nhiều thời gian hơn những đứa trẻ khác để học nói. Một số không bao giờ học nói. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là điều duy nhất bị ảnh hưởng. Cha mẹ của trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đôi khi nghĩ rằng trẻ bị điếc.
2. Chỉ hứng thú với những điều nhất định
Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có xu hướng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với một số điều nhất định, nhưng ít quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Trẻ nhỏ có thể hoàn toàn tập trung vào những thứ quay tròn hoặc tỏa sáng và bỏ qua hầu hết mọi thứ khác. Trẻ lớn hơn có thể trở nên bận tâm với 1 chủ đề, chẳng hạn như thời tiết, con số hoặc thể thao…
3. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường có những thói quen kì lạ
Trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ cũng có xu hướng có các thói quen mà chúng phải tuân theo chính xác. Ví dụ, trẻ có thể cần phải ăn các loại thực phẩm cụ thể theo một thứ tự cụ thể hoặc đi theo cùng một lộ trình từ nơi này đến nơi khác – mọi lúc. Nếu những thói quen này bị phá vỡ, đứa trẻ sẽ buồn bã.
4. Một số biểu hiện khác
Ngoài ra, biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ khác gồm:
- Không chỉ vào các vật để thể hiện sự quan tâm (chỉ vào một chiếc máy bay bay qua).
- Không nhìn vào đồ vật khi người khác chỉ vào chúng.
- Có rắc rối liên quan đến người khác hoặc không có hứng thú với người khác.
- Tránh giao tiếp bằng mắt và muốn ở một mình.
- Gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của người khác hoặc bộc lộ cảm xúc.
- Không thích được ôm hay âu yếm hoặc chỉ có thể âu yếm khi trẻ muốn.
- Không biết khi người khác nói chuyện với trẻ nhưng phản ứng với những âm thanh khác.
- Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ, hoặc lặp lại các từ hoặc cụm từ thay cho ngôn ngữ thông thường.
- Gặp khó khăn trong việc thể hiện nhu cầu của trẻ bằng ngôn ngữ lời nói hoặc hình thể.
- Không chơi trò chơi “giả vờ” đóng vai (giả vờ cho búp bê ăn).
- Lặp lại hành động nhiều lần.
- Gặp khó khăn khi thích nghi khi một thói quen thay đổi.
- Có phản ứng bất thường với các giác quan như ngửi, nếm, nhìn, cảm nhận hoặc âm thanh.
- Mất các kỹ năng trẻ từng có (ví dụ ngừng nói những từ trẻ đã từng sử dụng).
Phương pháp điều trị đúng cho rối loạn phổ tự kỷ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, độ nặng của bệnh và trẻ có bất kỳ vấn đề bệnh lý nào khác không. Rối loạn phổ tự kỷ không thể chữa khỏi. Tuy nhiên trẻ thường có thể khắc phục nhiều vấn đề về giao tiếp và hòa nhập xã hội. Chính vì thế mẹ nên cho trẻ đi khám kịp thời khi thấy các biểu hiện trên.
Nguồn : bau.vn